16:13 02/01/2018

Hàn Quốc đề nghị đàm phán cấp cao với Triều Tiên ngay tuần tới

Thăng Điệp

Lần gần đây nhất đàm phán cấp cao Hàn-Triều diễn ra là tháng 12/2015

Hai vận động viên trượt băng nghệ thuật hàng đầu của Triều Tiên, nhưng người có thể tham dự Thế vận hội mùa đông 2018 tại Hàn Quốc - Ảnh: Reuters/BBC.
Hai vận động viên trượt băng nghệ thuật hàng đầu của Triều Tiên, nhưng người có thể tham dự Thế vận hội mùa đông 2018 tại Hàn Quốc - Ảnh: Reuters/BBC.

Hàn Quốc ngày 2/1 đưa ra lời đề nghị đàm phán cấp cao với Triều Tiên vào ngày 9/1 để bàn về việc Triều Tiên có thể cử đoàn tham dự Thế vận hội mùa đông 2018 sắp diễn ra ở Hàn Quốc.

Theo tin từ BBC, đề nghị trên được Seoul đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ngày 1/1 nói rằng ông sẽ xem xét cử đoàn đại biểu Triều Tiên dự Thế vận hội mùa đông dự kiến diễn ra ở Pyeongchang, Hàn Quốc vào tháng 2. Ông Kim Jong Un cũng nói hai bên nên "gặp sớm để bàn về khả năng này".

Đáp lại tuyên bố trên của ông Kim Jong Un, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 2/1 nói ông nhận thấy đề xuất của phía Triều Tiên là một cơ hội để cải thiện mối quan hệ đang căng thẳng cao độ giữa hai nước.

Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Thống nhất của Hàn Quốc, ông Cho Myoung-gyon, nói đại diện hai miền Triều Tiên có thể gặp tại Bàn Môn Điếm (Panmunjom) - nơi còn gọi là "ngôi làng đình chiến", nằm trong khu phi quân sự (DMZ), gần biên giới giữa Hàn Quốc với Triều Tiên. Bàn Môn Điếm đã là nơi diễn ra nhiều cuộc đàm phán giữa hai nước trong lịch sử kể từ khi hai miền bị chia cắt.

"Chúng tôi hy vọng rằng Hàn Quốc và Triều Tiên có thể ngồi đối diện nhau và bàn về việc đoàn đại biểu Triều Tiên tham dự Thế vận hội Pyeongchang, cũng như các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm để cải thiện quan hệ liên Triều", ông Cho nói.

Hiện chưa rõ những quan chức nào của hai bên sẽ tham dự cuộc đàm phán mà Hàn Quốc đề xuất diễn ra vào ngày 1/9, và Triều Tiên cũng chưa đáp lại đề xuất của Hàn Quốc.

Lần gần đây nhất đàm phán cấp cao Hàn-Triều diễn ra là vào tháng 12/2015, tại khu công nghiệp chung giữa hai miền Kaesong, nhưng không đi đến thỏa thuận nào. Hiện khu công nghiệp chung Kaesong đã bị giải thể do mâu thuẫn.

Trong hai năm qua, Triều Tiên đã đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, bất chấp bị Liên hiệp quốc siết chặt lệnh trừng phạt.

Trong một cuộc họp nội các Hàn Quốc ngày 2/1, Tổng thống Moon hoan nghênh đề xuất của ông Kim Jong Un. Ông Moon nhấn mạnh việc ông đã nói rằng Thế vận hội Pyeongchang có thể là "một cơ hội mang tính bước ngoặt" để đưa hai miền Triều Tiên đến với hòa bình.

Ông Moon chỉ đạo các cơ quan hữu quan cần "nhanh chóng tìm ra các biện pháp tiếp theo để khẩn trương nối lại đàm phán Hàn-Triều" và đảm bảo một đoàn đại biểu Triều Tiên có thể thham dự Thế vận hội Pyeongchang.

Tuy nhiên, ông Moon cũng nói Seoul cần tiếp tục hợp tác với các đồng minh quốc tế để gây sức ép buộc Triều Tiên dừng chương trình phát triển vũ khí gây tranh cãi.

Trong bài phát biểu nhân dịp năm mới vào ngày 1/1, ông Kim Jong Un tiếp tục cảnh báo Mỹ, nói rằng toàn bộ lãnh thổ Mỹ giờ nằm trong tầm tấn công của vũ khí hạt nhân Triều Tiên và trên bàn làm việc của ông luôn có một nút bấm hạt nhân.

Tuy nhiên, ông Kim Jong Un đã "dịu giọng" với Hàn Quốc, nói rằng mối quan hệ băng giá Triều-Hàn nên được "phá băng".

"Năm 2018 là một năm quan trọng đối với cả Triều Tiên và Hàn Quốc, trong đó Triều Tiên kỷ niệm 70 năm ngày thành lập và Hàn Quốc đăng cai thế vận hội mùa đông", ông Kim Jong Un nói. "Chúng ta nên phá băng quan hệ Triều-Hàn, để năm nhiều ý nghĩa này sẽ là một năm được ghi chép đặc biệt trong lịch sử mỗi nước".