18:06 26/07/2019

Hàn Quốc: Kinh tế Triều Tiên giảm mạnh nhất hơn 20 năm

An Huy

Thu nhập bình quân đầu người của Triều Tiên năm 2018 bằng gần 4% so với mức của Hàn Quốc

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong một cuộc gặp với các em thiếu nhi Triều Tiên - Ảnh: KCNA.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong một cuộc gặp với các em thiếu nhi Triều Tiên - Ảnh: KCNA.

Nền kinh tế Triều Tiên năm 2018 bị cho là suy giảm với tốc độ mạnh nhất kể từ giai đoạn đỉnh điểm của nạn đói vào thập niên 1990, trong bối cảnh lệnh trừng phạt quốc tế gây sức ép lớn.

Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu ước tính do Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) công bố ngày 26/7 cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Triều Tiên giảm 4,1% trong năm ngoái. Đây là mức giảm mạnh nhất của nền kinh tế Triều Tiên kể từ năm 1997 - khi lũ lụt và hạn hán gây nên nạn đói nghiêm trọng ở nước này.

Năm 2017, GDP Triều Tiên giảm 3,5% - cũng theo ước tính của BoK.

Ước tính từ Seoul cũng cho rằng giá trị xuất khẩu của Triều Tiên giảm 86% trong 2018, còn 240 triệu USD, trong khi nhập khẩu giảm 31%.

Khoảng 90% xuất khẩu của Triều Tiên có điểm đến là Trung Quốc - đồng minh lớn duy nhất của Bình Nhưỡng. Trung Quốc đã tăng cường thực thi nghị quyết trừng phạt của Liên hiệp quốc đối với Triều Tiên kể từ khi Bình Nhưỡng có vụ thử hạt nhân lần thứ 6 vào năm 2017.

Bản báo cáo thường niên của BoK cho thấy áp lực lớn mà lệnh trừng phạt quốc tế đặt ra đối với nền kinh tế Triều Tiên khi nước này không từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.

Tuần này, Triều Tiên "khoe" một tàu ngầm lớn mới đóng và tiến hành phóng thử hai tên lửa đạn đạo, cho dù chưa đầy một tháng trước nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp lịch sử ở biên giới Hàn Triều và nhất trí nối lại đàm phán hạt nhân.

"Rõ ràng là lệnh trừng phạt đã gây thách thức lớn đối với Triều Tiên", nhà nghiên cứu Kim Suk-jin thuộc Viện Nghiên cứu Thống nhất quốc gia Hàn Quốc nhận định. "Xuất khẩu của Triều Tiên đã giảm rất mạnh".

Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng khó xảy ra nạn đói ở Triều Tiên vào thời điểm hiện nay vì thị trường phi chính thức đã nở rộ ở nước này. Trong thập niên 1990, nền kinh tế Triều Tiên đã có 9 năm liên tiếp suy giảm, nhưng trong thập niên 2010, nền kinh tế này mới chỉ có 4 năm đi xuống.

Triều Tiên không công bố thống kê kinh tế chính thức, nên dữ liệu của BoK được xem là nguồn đáng tin cậy nhất về tình trạng của nền kinh tế Triều Tiên, dù có thể không phản ánh thực sự đầy đủ những gì đang diễn ra trên thực tế.

Theo BoK, thu nhập bình quân đầu người của Triều Tiên trong 2018 chỉ đạt 1,4 triệu Won, tương đương 1.205 USD, bằng khoảng 3,9% mức của Hàn Quốc.

Số liệu từ các tổ chức nghiên cứu khác cũng cho thấy tình hình kinh tế Triều Tiên xấu đi. Trong một đánh giá đưa ra hồi tháng 5, Chương trình Nông Lương (FAO) của Liên hiệp quốc cho rằng sản lượng lúa gạo của Triều Tiên giảm ít nhất 17% trong năm ngoái tại những địa phương chiếm khoảng một nửa sản lượng lúa gạo của nước này. Ngoài ra, lệnh trừng phạt cũng dẫn tới tình trạng thiếu thốn nông cụ, phân bón, thuốc trừ sâu…

Báo cáo của BoK còn cho thấy ngành nông-ngư nghiệp của Triều Tiên giảm 1,8% trong 2018, mức giảm mạnh nhất từ 2020. Ngành khai mỏ giảm 17,8%, mạnh nhất từ 1990. Ngành sản xuất giảm 9,1%, nhưng ngành dịch vụ tăng 0,9%.

Một điểm sáng của kinh tế Triều Tiên trong những năm gần đây được cho là lượng du khách từ Trung Quốc tăng mạnh, theo BoK.