12:53 28/02/2019

Hàng chục tỷ USD chảy vào nhưng Việt Nam chỉ đầu tư ra nước ngoài 6 triệu USD

Bạch Huệ

Trong khi vốn nhà nước dành cho đầu tư giảm mạnh thì nổi lên là vốn tư nhân và vốn đầu tư FDI cả trực tiếp và gián tiếp

Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam vẫn rất khiêm tốn
Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam vẫn rất khiêm tốn

Theo cập nhật từ Tổng cục Thống kê, hoạt động đầu tư trong tháng 2 tập trung chủ yếu vào thực hiện các dự án, công trình chuyển tiếp từ năm trước và triển khai kế hoạch đầu tư năm 2019. 

Trong đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 13.079 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ, bao gồm: vốn Trung ương 1.737 tỷ đồng, giảm 35,5%; vốn địa phương 11.342 tỷ đồng, tăng 4,2%. 

Tính chung 2 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 30.220 tỷ đồng, bằng 9,1% kế hoạch năm và tăng 0,1% so với cùng kỳ. 

Vốn Trung ương quản lý đạt 4.092 tỷ đồng, giảm 29,8% so với cùng kỳ, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải đạt 878 tỷ đồng, giảm 58,3%; Bộ Y tế 451 tỷ đồng, tăng 33,2%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 242 tỷ đồng, giảm 56,8%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 111 tỷ đồng, tăng 7,9%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 100 tỷ đồng, giảm 11,6%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 66 tỷ đồng, giảm 12,2%; Bộ Xây dựng 24 tỷ đồng, giảm 0,5%; Bộ Công Thương 20 tỷ đồng, giảm 3%; Bộ Khoa học và Công nghệ 19 tỷ đồng, tăng 5,9%; Bộ Thông tin và Truyền thông 12 tỷ đồng, tăng 14,5%.

Về vốn địa phương quản lý đạt 26.128 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/2/2019 thu hút 514 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 2,444 tỷ USD, tăng 25,1% về số dự án và tăng 75,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, có 176 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 854,8 triệu USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 2 tháng đầu năm đạt 3,299 tỷ USD, tăng 57,8% so với cùng kỳ. 

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện 2 tháng năm nay ước tính đạt 2,58 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 2 tháng còn có 1.039 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 5,17 tỷ USD, gấp 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 585 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 4,78 tỷ USD và 454 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 0,39 tỷ USD.

Nổi bật trong số đó là dự án góp vốn, mua cổ phần của Beer co Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage với giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD tại Hà Nội với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia.

Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện với tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek (Hồng Kông) Co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh.

Ngoài ra, 2 tháng đầu năm nay, cả nước có 15.979 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 247.400 tỷ đồng, giảm 14,6% về số doanh nghiệp và tăng 25,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 15,5 tỷ đồng, tăng 46,7%. 

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 2 tháng năm nay có 5 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 6,05 triệu USD; 1 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 200 nghìn USD.

Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 2 tháng năm 2019 đạt 6,25 triệu USD chủ yếu vào các lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, mô tô, xe máy và xe có động cơ...

Nổi bật là Công ty TNHH Ecofoods Hải Khanh được cấp giấy chứng nhận kinh doanh đầu tư ra nước ngoài ngày 19/2/2019 với mục tiêu kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu, kinh doanh vật liệu xây dựng tại Hoa Kỳ với tổng vốn đầu tư là 5 triệu USD.