Hàng trăm ngàn tỷ "ách tắc" do cổ phần hoá chậm: Rối như tơ vò vì đất
Được biết, các cơ quan chức năng đang lấy ý kiến để sớm trình Chính phủ đề xuất điều chỉnh, sửa đổi danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, từ năm 2016 đến nay, mặc dù công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có nhiều thay đổi tích cực về chất nhưng tiến độ vẫn rất chậm. Cụ thể, đến nay mới cổ phần hóa được 35/127 doanh nghiệp nhà nước đạt 27,5%; hoàn thành thoái vốn được 88/405 doanh nghiệp, đạt 21,8% so với kế hoạch đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020.
Cổ phần hoá, thoái vốn lại chậm khiến hàng trăm ngàn tỷ vốn nhà nước "ách tắc" đang là vấn đề được đặt ra khiến các cấp, các ngành, chuyên gia "đau đầu".
Rối như tơ vò ở đất
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, trong một cuộc toạ đàm mới đây cho biết, Nghị định 126/2017/NĐ-CP sửa đổi rất nhiều nội dung so với Nghị định 59, trong đó quan trọng nhất là quy định về phê duyệt phương án sử dụng đất. Đây là tiền đề để xây dựng phương án cổ phần hóa doanh nghiệp. Nguồn gốc xuất xứ đất đai của các doanh nghiệp qua một thời gian dài, phức tạp, vì vậy, việc đầu tiên là phê duyệt phương án sử dụng đất.
"Cổ phần hóa không gây ra mất đất, vấn đề là sau khi chuyển quyền mục đích sử dụng đất, các cấp có thẩm quyền phê duyệt có thể để xảy ra những chuyện mà báo chí đã nêu", ông Long nói.
Thứ hai là sắp xếp lại các doanh nghiệp, xác định giá trị doanh nghiệp là một trong những khâu hết sức quan trọng. Đây là một trong những nguyên tắc không để xảy ra bán mà không có hiệu quả.
Theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP, các doanh nghiệp có số vốn trên 5.000 tỷ đồng phải có kiểm toán. Nhưng quy định mới, doanh nghiệp có số vốn 1.800 tỷ đồng mới phải có cơ quan kiểm toán. Vì vậy, thời gian sẽ kéo dài hơn.
Ông Nguyễn Hồng Long
Nghị định 32/2018/NĐ-CP quy định rõ hơn đối với đất trả tiền một lần và đất trả tiền hằng năm, về xác định giá trị thương hiệu văn hóa lịch sử. Đây là những điều ràng buộc để thực hiện bảo đảm các nguyên tắc theo đúng pháp luật, công khai, minh bạch và đem lại hiệu quả nhất.
Ông Long cho rằng các cơ chế chính sách mới có thể làm chậm lại nhưng hiệu quả rất cao. Cụ thể, kết quả đạt được sau 3 năm của giai đoạn này cho thấy, phần bán vốn thu về 218.255 tỷ đồng. So với giai đoạn trước bằng 2,8 lần vì giai đoạn trước bán cả giai đoạn 2011 là 78.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia đều cho rằng cổ phần hoá chậm nguyên nhân chủ chốt do phương án sử dụng đất. Ở góc độ làm chính sách, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, cho biết, khi xây dựng cơ chế chính sách đã thấy những vấn đề khiếm khuyết trong vấn đề quản lý tài sản, đất đai. Khi có Luật Đất đai 2013, các doanh nghiệp nhà nước chưa sắp xếp đúng theo quy định của pháp luật.
"Cổ phần hóa thời gian qua có thay đổi cách làm là tập trung vào khâu rà soát đất đai trước khi thực hiện cổ phần hóa. Tuy nhiên, thời gian qua do đất đai của khu vực doanh nghiệp nhà nước có phạm vi lớn, cho nên việc rà soát, chấp hành việc thực hiện này không quyết liệt nên chậm.
Ông Đặng Quyết Tiến
Nếu doanh nghiệp sắp xếp đúng theo đúng quy định của Luật Đất đai, công khai, minh bạch thì khi có quyết định cổ phần hóa sẽ bảo đảm rất nhanh tiến độ", ông Tiến nói và nhấn mạnh Bộ Tài nguyên và Môi trường nên sớm có quy trình cho các doanh nghiệp biết để doanh nghiệp phải chuẩn bị bao lâu và từ đó doanh nghiệp lượng được thời gian, lượng được khối lượng công việc, được nguồn lực để làm.
Ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng cổ phần hoá rõ ràng đang chậm.
"Tôi lo ngại việc bán cổ phần. Đối với doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, khi bán cổ phần kết quả chưa được như mong muốn. Không bán được nhiều cổ phần, không thu hút được cổ đông bên ngoài, thu hút được đầu tư xã hội", ông Trung chia sẻ.
Chẳng hạn như Tổng công ty sông Đà, một thương hiệu lớn, tuy nhiên, sau khi cổ phần hóa nhà nước phải nắm giữ tới 99% cổ phần do không bán được. Điều này ảnh hưởng đến mục tiêu lớn hơn của cổ phần hóa, ảnh hưởng đến quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước cũng như cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế, không thu hút, không chuyển được làm cho cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hợp lý hơn theo yêu cầu các nghị quyết của Đảng. Vì vậy, không tập trung được các nguồn lực vào những ngành nghề, lĩnh vực cần vai trò của kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước
Ông Trung phân tích, việc không bán được cổ phần cũng như việc cổ phần hóa chậm có nhiều lý do nhưng phải nhìn nhận một yếu tố khách quan từ thị trường, khả năng hấp thụ của thị trường đối cả việc bán cổ phần nhà nước gây khó khăn nhất định. Hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa chưa đủ sức để hút các nhà đầu tư.
Ông Phạm Đức Trung
"Theo phản ánh của rất nhiều doanh nghiệp, doanh nghiệp quy mô lớn có phạm vi hoạt động rất rộng khắp tất cả các địa phương, thậm chí có những doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty trước đây chúng ta gọi là hạch toán toàn ngành, có chi nhánh, đơn vị phụ thuộc xuống đến các cấp quận, huyện và như vậy công tác thống kê đất đai, công tác đo đạc, công tác hoàn chỉnh hồ sơ, giấy tờ ở phạm vi rộng, đòi hỏi phải hoàn thành trước thời điểm quyết định phê duyệt cổ phần hóa, quả thực gây lúng túng và gây khó khăn cho các đơn vị. Chưa kể doanh nghiệp quốc phòng an ninh cũng gặp phải trường hợp tương tự liên quan đến vấn đề đất đai. Việc phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa căn cứ vào quy hoạch đất đai của địa phương, khá nhiều địa phương chưa có hoặc chưa được phê duyệt về quy hoạch đất đai", ông Trung nêu.
Lãnh đạo sợ mất chỗ
Ông Nguyễn Hồng Long cho biết, cổ phần hoá chậm có vấn đề tế nhị nhưng không thể không nói tới đó là những người đứng đầu doanh nghiệp sợ mất chỗ. Cần phải xác định bên cạnh yếu tố về thể chế, bên cạnh yếu tố về thị trường thì vai trò của cá nhân cũng rất quan trọng trong tiến trình cổ phần hóa.
"Tôi cho là tâm lý sợ mất chỗ, mất quyền lợi cũng phần nào do cơ chế, nếu như chúng ta có những cơ chế rõ ràng hơn đối với những người giữ trọng trách ở các tập đoàn, tổng công ty sau khi cổ phần hóa cho thật cụ thể thì anh em sẽ yên tâm hơn. Còn về các quy định hiện nay về thời gian cổ phần hóa đều đã rõ ràng. Trong Chỉ thị số 01 Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức để chậm công tác cổ phần hóa", ông Long nói.
Nhìn vào các mô hình như Vinamilk, ông Trung lại khẳng định câu chuyện về sợ mất chỗ chỉ có ở một bộ phận rất nhỏ và có lẽ ở bộ phận cán bộ có trình độ, năng lực còn hạn chế vì vậy còn e ngại là sau khi chuyển thành công ty cổ phần sẽ không được bầu lại.
Ông Trung cho rằng cần thực hiện nghiêm các chế tài xử lý không chỉ người đứng đầu của doanh nghiệp mà cả người đứng đầu cơ quan chủ sở hữu trong việc không hoàn thành tiến độ cổ phần hóa", ông Trung nói.