Hé lộ kế hoạch kinh doanh năm 2018 của Vietnam Airlines
Vietnam Airlines cũng dự kiến nâng lượng tàu bay đến cuối năm 2018 là 98 và giai đoạn 2019-2020 sẽ nhận thêm 21 tàu bay mới
Đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 14,3% trong năm 2018, một trong những chiến lược của Vietnam Airlines được lãnh đạo hãng cho biết là tăng doanh thu nhưng trên cơ sở tăng chất lượng dịch vụ, đúng giờ bay…, cùng với đó là đảm bảo các nhiệm vụ chính trị, xã hội bởi là Hãng Hàng không Quốc gia.
Ngày 10/5, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2018. Kỳ đại hội lần này của Vietnam Airlines được giới đầu tư hết sức mong chờ sau một năm 2017 kinh doanh khởi sắc.
Kế hoạch doanh thu gần 100.000 tỷ năm 2018
Năm 2018, Vietnam Airlines nhận định kinh tế vĩ mô tiếp tục tăng trưởng ổn định. Thị trường hàng không tiếp tục tăng trưởng cao trong đó khách quốc tế dự kiến tăng trưởng 16,2% và nội địa tăng 13,8%, thuê chuyến tăng 35,4% so với năm 2017.
Dự báo thị trường hàng không tiếp tục tăng trưởng cao, Vietnam Airlines đặt kế hoạch hơn 97 nghìn tỷ đồng doanh thu cho năm 2018, tăng 14,3% so với 2017. Với dự báo giá nguyên liệu sẽ tăng mạnh (75-80 USD/thùng), công ty đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất thận trọng ở mức 2.421 tỷ đồng, giảm 23,3% so với con số kỷ lục năm 2017.
Vietnam Airlines cũng dự kiến nâng lượng tàu bay đến cuối năm 2018 là 98 và giai đoạn 2019-2020 sẽ nhận thêm 21 tàu bay mới. Đến năm 2025, công ty dự kiến đạt ngưỡng 132-135 tàu bay.
Trong năm 2018, Tổng công ty tiếp tục tập trung, ưu tiên cho 90 dự án đầu tư cấp thiết với tổng kinh phí khoảng hơn 3.500 tỷ đồng gồm đầu tư vào lĩnh vực vận tải hàng không như tàu bay, trang thiết bị, công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng thời góp vốn vào các doanh nghiệp có vốn của Tổng công ty.
Phát biểu tại Đại hội, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng, Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines cho biết, các chỉ số hoạt động tài chính của doanh nghiệp đều đảm bảo mức tăng tốt, nhiều chỉ số vượt mức tăng trưởng chung của toàn ngành. Trong khi đó, vốn hóa thị trường của Vietnam Airlines đang tương đương với hãng hàng không lớn của Đài Loan, hàng không quốc gia Philippines và cao hơn các hãng ThaiAirways.
Ông cũng cho biết, các chỉ số tài chính được cải thiện rất đáng kể trong thời gian qua. Chỉ tiêu tổng tài sản có giảm nhưng nguyên nhân là hãng không tiếp tục đầu tư đội tàu bay mà thông qua các kênh cho thuê lại để tăng dòng tiền và thanh toán một số khoản nợ.
Theo Giám đốc tài chính HVN, đến cuối năm 2018, hãng đặt mục tiêu đưa hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu chỉ giảm còn 2,6-2,7 lần. Trong tương lai gần, hệ số nợ giảm xuống dưới 2, để đảm bảo mục tiêu cân đối, an toàn.
Đi cả vào phân khúc giá cao và giá rẻ
Để thực hiện mục tiêu doanh thu, lợi nhuận trong năm 2018, Vietnam Airlines đề ra hàng loạt giải pháp "chiến lược". Trong đó, việc đổi mới đội tàu bay và nâng cao hiệu quả khai thác cũng tập trung nguồn lực nắm giữ thị phần khách hàng mục tiêu và các thị trường trọng điểm có hiệu quả được đặt lên hàng đầu.
Cùng với đó, tiếp tục tái cơ cấu nguồn vốn kinh doanh theo hướng tăng tỷ lệ tự tài trợ
vốn, tăng nguồn vốn chủ sở hữu thông qua phát hành cổ phiếu tăng vốn, giảm quy mô và tỷ lệ vốn vay qua việc thực hiện bán và thuê lại (SLB) cho 4 tàu bay A 350-900 có lịch nhận năm 2018-2019; đưa tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu xuống dưới mức 3:1 trong 2018.
Mặc dù cho rằng diễn biến giá nhiên liệu có thể sẽ là những yếu tố tác động đến kế hoạch kinh doanh nhưng lãnh đạo Vietnam Airlnes cũng khẳng định, Vietnam Airlines đã thực hiện nghiệp vụ Hedging từ năm 2010 để phòng ngừa rủi ro.
"Chúng tôi thực hiện Hedging khoảng 35% để quản trị rủi ro. Ngoài ra, để quản trị được tốt hơn các rủi ro thị trường nói chung thì Vietnam Airlines luôn chủ trương sở hữu chi phối nhiều doanh nghiệp trong ngành để đảm bảo ứng phó tốt với biến động giá cả", lãnh đạo Vietnam Airlnes cho biết.
Tại Đại hội lần này, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết, một trong những thế mạnh của công ty là năng suất lao động thuộc nhóm những công ty cao nhất và tổng công ty luôn coi lực lượng lao động là trọng tâm của sự phát triển. Thời gian tới, nhờ sự trợ giúp của công nghệ thì năng suất lao động càng cao hơn nữa.
Lãnh đạo công ty cho biết, với thay đổi chóng mặt của kỹ thuật số thì thanh toán điện tử, online trở thành xu hướng. Đón đầu điều này, Vietnam Airlines đã hoàn tất được nhiều hạng mục phục vụ cho hoạt động kinh doanh e-commerce. Hiện tại, 25% giao dịch thực hiện online và ngoài ra còn có nhiều Kios tại sân bay.
Ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhận định cấu trúc thị trường hàng không thay đổi mạnh mẽ thời gian qua. Miếng bánh hàng không tăng thêm chủ yếu là ở khu vực giá rẻ chứ không tăng đồng đều trên mọi phân khúc. Vietnam Airlines đang thực hiện chiến lược thương hiệu kép, đi cả vào phân khúc giá cao và giá rẻ.
Ngoài ra, công ty còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác với vai trò là Hãng Hàng không Quốc gia như phục vụ nhu cầu đi lại của nhóm khách hàng quân đội, lãnh đạo cấp cao….
Cũng theo lãnh đạo Vietnam Airlines, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường hàng không thì việc nhiều hãng hàng không khác đi vào thị trường chung thì cũng là điều bình thường và công ty không có gì đáng lo ngại cạnh tranh cả. Vấn đề mà công ty hay các hãng hàng không khác lo ngại hơn là làm sao tăng được tải trong bối cảnh các sân bay đều quá tải.
Chiến lược của Vietnam Airlines, theo vị Chủ tịch này, là tăng doanh thu nhưng trên cơ sở tăng chất lượng dịch vụ, đúng giờ bay…, cùng với đó là đảm bảo các nhiệm vụ chính trị, xã hội bởi là Hãng Hàng không Quốc gia.