Hơn 25 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam trong 9 tháng
Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố số liệu tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng năm 2018
Theo đó, tính chung trong 9 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 25,37 tỷ USD, bằng 99,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, có 2.182 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 14,1 tỷ USD, bằng 97% so với cùng kỳ năm 2017 và có 841 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,5 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Có 5.275 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 5,7 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ 2017.
Tính đến ngày 20/9/2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 13,25 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 11,3 tỷ USD, chiếm 44,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,8 tỷ USD, chiếm 23% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,1 tỷ USD, chiếm 8,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Hiện có 104 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD, chiếm gần 28% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,6 tỷ USD, chiếm 22,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,6 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng vốn đầu tư.
Theo địa bàn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh, thành phố, trong đó Hà Nội thu hút nhiều vốn nhất với tổng số vốn đăng ký 5,8 tỷ USD, chiếm 22,9% tổng vốn đầu tư.
Tp.HCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 4,2 tỷ USD, chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư. Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 2,1 tỷ USD chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư.
Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô đạt 127,8 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm gần 71,4% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 126,1 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ 2017 và chiếm 70,5% kim ngạch xuất khẩu.
Nhập khẩu đạt 104,1 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 60% kim ngạch nhập khẩu.
Tính chung, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 23,6 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 21,9 tỷ USD không kể dầu thô.
Sau 30 năm đổi mới và mở cửa với quốc tế, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất trong khu vực. Khu vực FDI cũng trở thành thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Hiện, vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội.
Tuy nhiên, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ lo ngại về kết quả thu hút vốn FDI trong thời gian tới.
"Nền kinh tế thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, cùng với sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài diễn ra ngày càng gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực và sự nổi lên của một số thị trường như Myanmar, Indonesia, dẫn đến, dòng vốn FDI đăng ký khó có khả năng tăng mạnh trong các năm tới", Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.