08:39 25/09/2018

Hồng Kông chính thức cấm đảng chính trị đòi độc lập

An Huy

Lần đầu tiên Hồng Kông cấm một tổ chức chính trị kể từ khi được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997

Andy Chan, thủ lĩnh Đảng Dân tộc Hồng Kông - Ảnh: Reuters.
Andy Chan, thủ lĩnh Đảng Dân tộc Hồng Kông - Ảnh: Reuters.

Chính quyền Hồng Kông ngày 24/9 chính thức ban hành lệnh cấm đối với một chính đảng kêu gọi vùng lãnh thổ này độc lập khỏi Trung Quốc. Theo hãng tin Reuters, động thái này đánh dấu lần đầu tiên Hồng Kông cấm một tổ chức chính trị kể từ khi được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Người đứng đầu cơ quan an ninh Hồng Kông, ông John Lee, đã công bố lệnh cấm đối với Đảng Dân tộc Hồng Kông trong một tuyên bố ngắn gọn đăng trên công báo của chính quyền. Lệnh cấm được đưa ra chỉ 10 ngày sau khi Đảng Dân tộc Hồng Kông có những lập luận nhằm chống lại khả năng bị cấm.

Lệnh cấm trên được dựa trên luật Quy định đoàn thể của Hồng Kông, một đạo luật có từ thời thực dân vốn ít được chú ý có nội dung yêu cầu tất cả các nhóm và tổ chức xã hội phải đăng ký với cảnh sát.

Luật này cho phép chính quyền Hồng Kông cấm các nhóm và tổ chức "vì lợi ích an ninh quốc gia, trật tự công cộng hoặc bảo vệ các quyền và tự do của cá nhân, tổ chức khác".

Sau khi lệnh cấm được đưa ra, ông Lee nói rằng Đảng Dân tộc Hồng Kông, một chính đảng mới 2 năm tuổi, đã sẵn sàng sử dụng "mọi biện pháp" để giành độc lập, theo đó đặt ra nguy cơ an ninh đối với Hồng Kông và vi phạm Luật Cơ bản - đạo luật được xem là hiến pháp của Hồng Kông và giữ vai trò nền tảng cho quan hệ giữa Hồng Kông với Trung Quốc đại lục.

Đảng Dân tộc Hồng Kông "có chương trình nghị sự rõ ràng nhằm đưa Hồng Kông thành một nước cộng hòa", ông Lee nói. Ông nhấn mạnh rằng đảng này đã truyền bá "tư tưởng thù địch và phân biệt đối xử với người Trung Quốc đại lục".

Nhà chức trách Hồng Kông không loại trừ khả năng sẽ có động thái với các tổ chức chính trị khác, bao gồm các nhóm đòi hỏi "tự quyết" hoặc các nhóm muốn Hồng Kông độc lập hoàn toàn.

Hồng Kông hiện đang áp dụng chế độ "một quốc gia, hai chế độ" - nguyên tắc cho phép trung tâm tài chính này có một mức độ tự trị cao trước Trung Quốc đại lục, nhưng không độc lập khỏi đại lục.

Phong trào đòi độc lập còn non trẻ của Hồng Kông chưa nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cử tri vùng lãnh thổ này, nhưng việc chính quyền Hồng Kông hồi tháng 7 tuyên bố cân nhắc cấm Đảng Dân tộc Hồng Kông đã khiến thủ lĩnh đảng này là Andy Chan trở nên nổi tiếng. Mấy tuần gần đây, Chan, một chính trị gia 28 tuổi, đã liên tục xuất hiện trên các kênh truyền thông của Hồng Kông và quốc tế.

Chính quyền Hồng Kông đã siết chặt kiểm soát đối với phong trào đòi độc lập từ năm ngoái, sau một chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thành phố này. Trong chuyến thăm, ông Tập Cận Bình cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm đe dọa chủ quyền của Trung Quốc sẽ bị xem là vượt qua "giới hạn đỏ".

Chính phủ Trung Quốc ủng hộ lệnh cầm mà chính quyền Hồng Kông vừa đưa ra đối với Đảng Dân tộc Hồng Kông. Một phát ngôn viên của Văn phòng Quan hệ Macau và Hồng Kông thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã bày tỏ "ủng hộ tuyệt đối" lệnh cấm này - hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin.

Bắc Kinh được cho là đã tăng cường kiểm soát đối với Hồng Kông kể từ năm 2014, khi phong trào dân chủ mang tên "Occupy Central" (Chiếm trung tâm) bùng lên ở vùng lãnh thổ này. Khi đó, hàng trăm nghìn người biểu tình Hồng Kông đã khiến các con đường chính ở khu trung tâm của thành phố rơi vào tình trạng tê liệt suốt 3 tháng trời, nhưng không thể khiến Bắc Kinh nhượng bộ.