23:57 10/03/2019

Huawei mở chiến dịch “phản công” Chính phủ Mỹ?

An Huy

Mấy năm trước, thật khó hình dung Huawei có thể đưa ra một lập trường cứng rắn với Mỹ như hiện nay

Trong quá trình vươn mình thành một trong những hãng công nghệ lớn nhất thế giới, Huawei dường như luôn tránh sự chú ý của giới truyền thông.

Nhưng giờ đây, tập đoàn đến từ Trung Quốc này có vẻ đang tiến hành một chiến dịch "phản công" lại những nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm cản bước tiến của Huawei.

Huawei không còn im lặng

Sau nhiều năm vắng bóng trên mặt báo, nhà sáng lập Huawei Nhiệm Chính Phi chỉ trong vòng vài tuần đã có loạt bài trả lời phỏng vấn trên truyền thông trong và ngoài nước. Tại Đại hội Thế giới Di động (MWC), sự kiện thường niên lớn nhất của ngành công nghiệp di động toàn cầu, các nhà điều hành Huawei lên tiếng bảo vệ mạnh mẽ công ty.

Huawei thậm chí còn mua quảng cáo toàn trang trên một loạt tờ báo lớn của Mỹ, bao gồm tờ Wall Street Journal, để kêu gọi người Mỹ "đừng tin hết mọi thứ bạn nghe thấy" từ Chính phủ Mỹ về Huawei. Ở New Zealand, nơi Chính phủ mới đây ban lệnh cấm các nhà mạng sử dụng thiết bị mạng 5G Huawei, hãng này chạy quảng cáo so sánh việc mạng 5G mà không có Huawei cũng giống như "cuộc sống không có bóng bầu dục" - môn thể thao được ưa chuộng hàng đầu ở xứ kiwi.

Tuy nhiên, diễn biến kịch tính nhất diễn ra vào ngày thứ Năm vừa rồi, khi Huawei mời các nhà báo tới trụ sở công ty ở Thẩm Quyến để công bố rằng Huawei đã đâm đơn kiện Chính phủ Mỹ về một đạo luật cấm các cơ quan liên bang mua sản phẩm Huawei.

"Quốc hội Mỹ luôn không thể đưa ra bất kỳ chứng cứ nào để hậu thuẫn cho việc họ đặt ra những hạn chế đối với sản phẩm Huawei", Chủ tịch luân phiên của Huawei, ông Guo Ping, tuyên bố. "Chúng tôi buộc phải thực hiện hành động pháp lý này như một biện pháp phù hợp và cuối cùng".

Quyết định kiện Chính phủ Mỹ cho thấy Huawei sẵn sàng tiến xa đến đầu trong việc chống lại những nỗ lực của Mỹ thuyết phục các quốc gia khác rằng sử dụng thiết bị mạng 5G của Huawei là một sự đe dọa đối với an ninh quốc gia.

"Huawei không ngần ngại trong việc chống lại Mỹ. Họ chẳng có gì để mất ở thị trường Mỹ cả, nhưng họ có rất nhiều để mất ở châu Âu và các thị trường phát triển khác", ông Duncan Clark, một chuyên gia về ngành công nghệ Trung Quốc, nhận xét.

Trên thực tế, thị trường Mỹ từ lâu đã gần như đóng kín đối với Huawei. Trong khi đó, hãng này có nhiều khách hàng lớn tại châu Âu và nhiều quốc gia khác. Để bảo vệ vị thế của mình ở thị trường lớn, Huawei hiện đang thiết lập các "trung tâm minh bạch" cho phép khách hàng thực hiện các cuộc kiểm thử an ninh đối với thiết bị của hãng. Tuần này, Huawei mới khai trương một trung tâm như vậy ở Brussels.

Buộc phải đáp trả

Mấy năm trước, thật khó hình dung Huawei có thể đưa ra một lập trường cứng rắn với Mỹ như hiện nay.

Ông William Plummer, người từng có 8 năm làm ở bộ phận quan hệ chính phủ và truyền thông của Huawei, viết trong một cuốn sách xuất bản vào năm ngoái rằng Huawei trước đây "hiếm khi trao đổi với truyền thông và hầu như không có tương tác với các chính phủ".

Từ nhiều năm qua, Washington đã nghi ngờ rằng Chính phủ Trung Quốc có thể thông qua thiết bị Huawei nghe lén các quốc gia khác, nhưng không đưa ra được bằng chứng cụ thể. Huawei phủ nhận cáo buộc đó của Mỹ, nhưng các nhà điều hành của hãng này hiếm khi đưa ra phát biểu với giới truyền thông.

Tuy nhiên, sức ép đối với Huawei - hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới - đã tăng lên mạnh mẽ trong những tháng gần đây.

Cơ quan công tố Mỹ đã đưa ra buộc tội hình sự chính thức đối với Huawei về nghi án hãng này đánh cắp bí mật thương mại của T-Mobile và vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Giám đốc tài chính (CFO) của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu, bị bắt ở Canada hồi tháng 12 năm ngoái do bị Mỹ tình nghi vi phạm lệnh trừng phạt Iran. Hiện bà Mạnh đang đối mặt nguy cơ bị dẫn độ tới Mỹ để chịu xét xử.

Ngoài ra, dưới sức ép từ Mỹ, Đức và Anh đang xem xét nên áp dụng mức độ hạn chế nào đối với thiết bị Huawei. Australia thì đã cấm thiết bị 5G của Huawei.

Chiến dịch chống Huawei của Mỹ cùng với các vụ kiện mà Washington nhằm vào Huawei dường như đã buộc công ty Trung Quốc này phải đi đến một cách đáp trả khác: một chiến dịch "phản công" mạnh mẽ.

Trong cuộc trao đổi với hãng tin BBC mới đây, ông Nhiệm Chính Phi tuyên bố "Mỹ không thể nào đè bẹp chúng tôi". Ông Guo, Chủ tịch luân phiên Huawei, hôm thứ Năm thậm chí cáo buộc Mỹ "đã tấn công vào các máy chủ của chúng tôi, đánh cắp email và mã nguồn của chúng tôi".

Nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc "phản công" của Huawei là nhằm mục đích giúp hãng giữ được thị trường hấp dẫn ở châu Âu và tại các quốc gia khác, nhưng Huawei nói họ sẽ không từ bỏ nỗ lực mở cánh cửa thị trường Mỹ.

"Chặn Huawei sẽ không làm cho nước Mỹ trở nên an toàn hơn. Chúng tôi sẽ không từ bỏ", Giám đốc an ninh của Huawei tại Mỹ, ông Andy Purdy, nói với CNN Business.