09:37 09/10/2018

IMF: Lạm phát Venezuela sẽ lên 10 triệu phần trăm vào 2019

An Huy

Tốc độ lạm phát ở Venezuela sẽ lên gần 1,4 triệu phần trăm vào cuối năm nay, một phần do Chính phủ nước này ồ ạt in tiền

Những trái ớt bày bán trong một khu chợ ở Caracas, Venezuela, hôm 21/8 - Ảnh: Reuters.
Những trái ớt bày bán trong một khu chợ ở Caracas, Venezuela, hôm 21/8 - Ảnh: Reuters.

Tốc độ lạm phát hàng năm ở Venezuela sẽ lên gần 1,4 triệu phần trăm vào cuối năm nay, một phần do Chính phủ nước này ồ ạt in tiền để bù đắp thâm hụt ngân sách - một báo cáo do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố ngày 9/10 nhận định.

Theo tin từ Bloomberg, báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook) mới nhất của IMF đã nâng dự báo lạm phát 2018 ở Venezuela lên 1,37 triệu phần trăm, từ mức dự báo 1 triệu phần trăm đưa ra hồi tháng 7, và chỉ 13.000% đưa ra hồi đầu năm.

Cũng theo báo cáo, giá tiêu dùng ở quốc gia Nam Mỹ này sẽ lên mức 10 triệu phần trăm vào năm 2019.

Về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Venezuela, IMF giữ nguyên mức dự báo đưa ra hồi tháng 7, cho rằng nền kinh tế này sẽ suy giảm 18% trong năm 2018. Như vậy, năm nay sẽ là năm thứ ba liên tiếp GDP của Venezuela suy giảm với tốc độ hai con số, trong bối cảnh sản lượng khai thác dầu thô sụt giảm và bất ổn chính trị gia tăng.

Chính sách kinh tế sai lầm kéo dài nhiều năm, cùng với sự sa sút của ngành công nghiệp dầu lửa vốn giữ vai trò trụ cột, đã đẩy kinh tế Venezuela vào một vòng xoáy khủng hoảng.

Giữa lúc dự trữ ngoại hối sụt giảm với tốc độ chóng mặt và người dân đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng thực phẩm và thuốc men, chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro vẫn giữ nguyên các biện pháp kiểm soát giá cả và tỷ giá. Giới phân tích cho rằng chính những biện pháp này càng khiến Venezuela lún sâu hơn vào khủng hoảng.

Nhằm bình ổn giá cả, vào tháng 8 vừa qua, ông Maduro đã tung một loạt biện pháp, gồm xóa bớt 5 chữ số 0 trên đồng nội tệ Bolivar, tăng lương cơ bản 3.000%, và neo buộc tiền lương cùng tỷ giá đồng Bolivar vào đồng tiền ảo Petro do Chính phủ nước này phát hành.

Từ khi lên cầm quyền vào năm 2013, ông Maduro đã có 24 lần tăng lương tối thiểu để chống lạm phát. Trong đợt gần nhất, lương cơ bản ở Venezuela tăng lên mức 1.800 Bolivar, tương đương chưa đầy 20 USD/tháng.

Tuy nhiên, nhiều công ty Venezuela giờ đây tuyên bố với người lao động rằng họ buộc phải thực hiện việc sa thải trên quy mô lớn vì không có tiền trả lương.

Cafe Con Leche Index, chỉ số đo giá cốc cà phê tại một cửa hiệu ở phía Đông thủ đô Caracas của Venezuela, do Bloomberg thực hiện, ước tính tốc độ lạm phát ở nước này đã lên tới 340.000% chỉ trong vòng 6 tháng trở lại đây.

Còn theo hãng tin Reuters, một nghị sỹ đối lập của Venezuela ngày 8/10 cho biết giá cả ở nước này đã tăng 488.865% trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 9 vừa qua.

Nghị sỹ Angel Alvarado nói rằng mức lạm phát hàng ngày ở Venezuela hiện nay là 4%. Mức lạm phát hàng tháng của tháng 9 là 233%, so với mức 223% của tháng 8.

Theo như các số liệu mới được đưa ra, các biện pháp bình ổn giá cả mà Tổng thống Maduro thực hiện mới đây có vẻ không có nhiều tác dụng trong việc kiềm chế tốc độ tăng giá "kinh hoàng" ở quốc gia thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) này.

Các nghị sỹ đối lập đã trở thành nguồn cung cấp số liệu kinh tế duy nhất ở Venezuela, kể từ khi Ngân hàng Trung ương nước này dừng đưa ra các con số thống kê từ gần 3 năm trước khi nền kinh tế bắt đầu suy sụp.

Ông Maduro tái đắc cử Tổng thống Venezuela vào tháng 5, trong một cuộc bầu cử mà phe đối lập cho là bị thao túng.

Về phần mình, nhà lãnh đạo khẳng định cuộc bầu cử hoàn toàn bình đẳng, minh bạch và đúng quy trình. Ông cũng luôn cho rằng tình hình kinh tế hiện nay của Venezuela là kết quả của một "cuộc chiến kinh tế" do phe đối lập và các thế lực thù địch bên ngoài gây ra.