Indonesia liên tiếp hạ lãi suất để cứu tăng trưởng kinh tế
Indonesia cắt giảm lãi suất thứ ba trong vòng 3 tháng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc
Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) ngày 19/9 tiến hành đợt cắt giảm lãi suất thứ ba trong vòng 3 tháng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc.
Theo tin từ Bloomberg, lãi suất tham chiếu được BI hạ 0,25 điểm phần trăm, về mức 5,25%. Động thái này không nằm ngoài dự báo của phần đông giới chuyên gia kinh tế. Ngoài ra, BI cũng nới lỏng các quy định về cho vay mua nhà và mua xe nhằm kích cầu.
Động thái nới lỏng chính sách của Indonesia diễn ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 18/9 có đợt hạ lãi suất thứ hai trong năm nay. Chiến tranh thương mại và giá dầu tăng đang gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế Indonesia - quốc gia nơi tốc độ tăng trưởng hiện đang ở mức thấp nhất 2 năm.
Phát biểu trước báo giới, Thống đốc BI Perry Warjiyo nói rằng động thái hạ lãi suất mới nhất của ngân hàng trung ương này là "một bước đi mang tính phòng ngừa để hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế trong nước giữa lúc các điều kiện kinh tế toàn cầu yếu đi".
"Chính sách này phù hợp với dự báo lạm phát giữ ở mức thấp và lợi suất của các tài sản tài chính ở Indonesia vẫn ở mức hấp dẫn", ông Warjiyo nói.
Năm ngoái, Indonesia nâng lãi suất tổng cộng 1,75 điểm phần trăm để chống lại sự thoái vốn của giới đầu tư nước ngoài khỏi các thị trường mới nổi. Nhưng năm nay, BI chuyển trọng tâm sang hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Chính phủ Indonesia năm nay đã hai lần hạ dự báo tăng trưởng kinh tế 2019, hiện mức dự báo là 5,1% so với mức dự báo ban đầu 5,2%.
Ông Warjiyo phủ nhận đánh giá cho rằng việc FED hạ lãi suất ảnh hưởng đến quyết định của BI, và cho biết BI sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng phù hợp với dự báo lạm phát thấp.
Lạm phát ở Indonesia trong tháng 8 năm nay là 3,49%, mức cao nhất kể từ tháng 12/2017, nhưng vẫn nằm trong khoảng mục tiêu 2,5-4,5% mà BI đề ra.
Hạ lãi suất đang là xu hướng trên toàn cầu, khi thương chiến Mỹ-Trung gây suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu còn 3,2% trong 2019, từ mức dự báo tăng 3,3% đưa ra hồi tháng 4, với một phần lý do là "căng thẳng thương mại gây sứt mẻ niềm tin và giảm tốc đầu tư".
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất 0,1 điểm phần trăm về âm 0,5% và tái khởi động chương trình nới lỏng định lượng (QE). Gần đây, một loạt nước ở châu Á như Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Hàn Quốc đều đã cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng và có thể tiếp tục hạ thêm lãi suất trong thời gian tới.
Theo số liệu của Bloomberg, từ đầu năm đến nay, trên thế giới đã có khoảng 40 đợt hạ lãi suất.