16:28 14/01/2019

Indonesia sắp áp giá cố định và hạn chế khuyến mại dịch vụ gọi xe

Ngọc Trang

Bộ Giao thông Indonesia sẽ áp giá trần và sàn, đồng thời hạn chế khuyến mại giảm giá đối với dịch vụ gọi xe tại nước này nhằm bảo vệ tài xế

Grab và Go-Jek đang lao vào cuộc chiến giá tại Indonesia - Ảnh: Nikkei.
Grab và Go-Jek đang lao vào cuộc chiến giá tại Indonesia - Ảnh: Nikkei.

Indonesia đang có kế hoạch đưa ra các quy định nhằm quản lý giá của các dịch vụ gọi xe như Grab và Go-Jek, hãng tin Reuters dẫn nguồn từ hai quan chức chính phủ nước này cho biết. 

Theo quy định mới, Bộ Giao thông Indonesia sẽ áp giá trần và sàn đối với dịch vụ gọi xe ôm, dự kiến sẽ "cao hơn so với mức giá hiện tại của Go-Jek và Grab", đồng thời giới hạn khuyến mại giảm giá, Budi Setyadi, lãnh đạo cục giao thông đường bộ, thuộc bộ này cho biết. 

Ahmad Yani, lãnh đạo cục giao thông công cộng thuộc Bộ Giao thông Vận tải Indonesia, cho biết sự phụ thuộc vào các khoản hoa hồng và mức giá thấp trên mỗi km gây rủi ro về tính an toàn khi những việc này có thể khiến các tài xế làm việc quá sức. 

Ông Yani cho biết Grab đang trả cho tài xế 1,200 Rupiah (0,085 USD) trên một km với trọng tâm là các khoản tiền thưởng, trong khi đó, Go-Jek trả 1.400 Rupiah (0,099 USD)/km. 

Hai quan chức Bộ Giao thông Indonesia cho rằng các khoảng giá cố định cho dịch vụ xe ôm vẫn đang được xem xét, nhưng sẽ được bắt đầu áp dụng từ tháng 3/2019. Trong khi đó, khoảng giá cố định cho dịch vụ gọi xe ôtô sẽ là 3.500 - 6.000 Rupiah (0,43 USD)/km tại các đảo Java, Sumatra, và Bali từ tháng 6 tới. 

Chia sẻ với Reuters, cả Grab và Go-Jek đều nói rằng sẵn sàng đón nhận các quy định mới. "Grab tin rằng chính phủ (Indonesia) sẽ xây dựng khung pháp lý tốt nhất và hy vọng tất cả các bên tham gia thị trường đều nằm trong đó", Tri Sukma Anreianno, giám đốc quan hệ đối ngoại của Grab, nói. 

Trong khi đó, người phát ngôn của Go-Jek cho biết: "Chúng tôi ủng hộ tinh thần của chính phủ nhằm khuyến khích các đối tác lái xe... và hy vọng quy định mới sẽ có tác động tích cực đến việc ổn định thu nhập của tài xế...và cạnh tranh công bằng trong hoạt động kinh doanh". 

Tuy nhiên, cả hai quan chức Bộ Giao thông Indonesia nói rằng các công ty này đang lo lắng về quy định mới bởi họ đã phải chi rất nhiều để trợ giá cho tài xế trong các chương trình khuyến mại giảm giá cho khách hàng. 

Theo các nhà phân tích, quy định mới sẽ đáp ứng yêu cầu của giới tài xế về việc được bảo vệ và hưởng cước phí cao hơn khi tham gia dịch vụ gọi xe. Tuy nhiên, chi phí tăng có thể cản trở sự phát triển của Grab và Go-Jek trong bối cảnh hai công ty này đang cạnh tranh gay gắt trên thị trường gọi xe Indonesia - nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Grab, có trụ sở tại Grab và startup nội Go-Jek đang lao vào cuộc chiến về giá tại Indonesia, nằm trong kế hoạch lớn hơn nhằm đưa dịch vụ ngân hàng, thương mại điện tử, gọi xe, giao đồ ăn cùng nhiều dịch vụ khác tới mọi ngóc ngách của Đông Nam Á.

Mức giá cố định là thách thức lớn đối với mô hình kinh doanh phụ thuộc vào việc giảm giá cho người dùng để tăng trưởng và có thể gây ảnh hưởng tới sự cải tiến, sáng tạo. 

"Giá cước rẻ vốn là cách thức chủ đạo của các công ty này (Grab và Go-Jek) để thu hút khách hàng", Yayat Suprityatna, chuyên gia về giao thông đô thị tại Đại học Trisakti, Jakarta nói.

Năm 2017, Tòa án Tối cao Indonesia đã bác bỏ nỗ lực của Bộ Giao thông nước này trong việc cố định giá dịch vụ gọi xe sau khi nhiều tài xế đâm đơn kiện nói rằng quy định hiện hành làm lợi cho các hãng cung cấp dịch vụ. Cả hai quan chức của bộ này đều nói rằng những quy định mới đáp ứng các tiêu chuẩn về chống cạnh tranh không lành mạnh và được đưa ra sau nhiều cuộc thảo luận toàn diện với các tổ chức đại diện cho giới tài xế.