07:34 12/03/2018

IPO Hapro: Khi “miếng ngon” đã có chủ

Khánh Hà

Phiên đấu giá tới đây có thể sẽ diễn ra "lặng lẽ" khi không có cuộc roadshow nào cả và ngay trước thềm đấu giá, đối tác chiến lược đã được chọn lựa

Hoạt động kinh doanh chính của Hapro chưa đủ tạo sức hấp dẫn bằng quyền sử dụng đất đai của doanh nghiệp này.
Hoạt động kinh doanh chính của Hapro chưa đủ tạo sức hấp dẫn bằng quyền sử dụng đất đai của doanh nghiệp này.

Đợt bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) sẽ tiến hành ngày 30/3 tới với giá khởi điểm là 12.800 đồng/cổ phần.

Nói đến Hapro, những nhà đầu tư nắm bắt được thông tin đều nghĩ ngay tới một doanh nghiệp sở hữu quỹ đất khủng nổi tiếng ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác. Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh chính là xuất nhập khẩu, thương mại nội địa và phát triển hạ tầng thương mại lại ít được biết đến.

Phiên đấu giá tới đây có thể sẽ diễn ra "lặng lẽ" khi không có cuộc roadshow nào cả và ngay trước thềm đấu giá, đối tác chiến lược đã được chọn lựa. Chỉ có 34,51% vốn sẽ được bán ra bên ngoài cho các nhà đầu tư khác. Khi 65% cổ phần của Hapro đã "có chủ" thì đây không khác gì một cuộc M&A thông qua IPO.

Hoạt động kinh doanh chính khó đột biến

Nhìn tổng thể hoạt động của Hapro trước cổ phần hóa, lĩnh vực kinh doanh chính thực tế đem lại nhiều doanh thu nhất là hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại nội địa, trong khi lợi thế địa điểm cũng như quỹ đất lớn không được phát huy. Bởi liên quan nhiều đến hoạt động xuất nhập khẩu, hoạt động thương mại nội địa kém và chỉ bó hẹp ở một số địa phương nên thương hiệu Hapro chưa có tầm phủ rộng toàn quốc.

Trong khi đó, lĩnh vực bán lẻ đang xuất hiện rất nhiều ông lớn với tiềm lực mạnh và đây là lĩnh vực cạnh tranh cực kỳ gay gắt. Hệ thống các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini do các thương hiệu trong và ngoài nước xây dựng đang nổi lên ngày một nhiều. Hapro không phải là một thương hiệu đình đám trong miếng bánh thị phần bán lẻ trị giá ước tính 179 tỷ USD vào năm 2020.

Hoạt động thương mại nội địa chính là Công ty Thực phẩm Hà Nội (đã cổ phần hóa năm 2015 và Hapro vẫn giữ 51,57% vốn), tập trung phát triển chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích HaproFood, HaproMart. Năm 2016 doanh thu của công ty con này đạt 173,64 tỷ đồng, chỉ đóng góp 3,8% vào tổng doanh thu hợp nhất của Hapro. Lợi nhuận 2016 là -10,15 tỷ đồng và 6 tháng 2017 (có kiểm toán) cũng -1,1 tỷ đồng.

Để thúc đẩy được hoạt động thương mại nội địa và chiếm lĩnh thị phần trong lĩnh vực này không phải là một việc đơn giản. Hapro hiện có khá nhiều cửa hàng tiện ích nhưng đa phần nhỏ và nằm rải rác ở các khu vực khác nhau, thậm chí là phải sử dụng chung như chia sẻ lối đi do yếu tố lịch sử. 

Trong khi đó, việc xây dựng chuỗi thương hiệu bán lẻ, cửa hàng tiện ích cần những tiêu chí đồng nhất về nhận diện, vị trí, diện tích tối thiểu, văn hóa phục vụ… Một công ty con khác là Công ty Cổ phần Phát triển Siêu thị Hà Nội (Hapro nắm 83,42% vốn) hầu như không hiệu quả khi lợi nhuận trước thuế 2016 chỉ là 18 triệu đồng và 6 tháng 2017 là 35 triệu đồng.

Hapro hiện có 10 công ty con với tỷ lệ nắm giữ trên 51% nhưng chỉ có 3 công ty có đóp góp khả quan vào lợi nhuận hợp nhất của Hapro. Đó là Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Tràng Thi (20,7%), Công ty Cổ phần Thủy Tạ (30,4%) và Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu (18,6%).

Các công ty con còn lại hoạt động kém hiệu quả, lợi nhuận quá thấp hoặc lỗ. Điều đó có nghĩa là nhiệm vụ tái cấu trúc sau cổ phần hóa của Hapro không hề dễ dàng vì sau khi không còn sở hữu nhà nước, yếu tốt hiệu quả sẽ được đặt lên hàng đầu. Các ông chủ mới sẽ có những ưu tiên khác cũng như phân bổ nguồn lực không như khi còn nằm trong vòng tay nhà nước.

Trong hoạt động xuất khẩu, Hapro là công ty cũng có tên tuổi và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về xuất khẩu một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản, thực phẩm. Thị trường xuất khẩu của Hapro hiện tới trên 70 nước và khu vực. Đây là lĩnh vực chính và thế mạnh của Hapro chứ không phải thương mại nội địa. Năm 2017, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Hapro là gần 3.180,2 tỷ đồng thì hơn 78% là đến từ doanh thu xuất khẩu, còn lại là doanh thu nội địa.

Tuy nhiên, lợi nhuận biên của hoạt động xuất khẩu là vấn đề lớn. Do các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Hapro là nông sản, thực phẩm như gạo, hạt điều, cà phê, hạt tiêu… nên lợi nhuận thường rất thấp. Chẳng hạn lợi nhuận biên của hoạt động xuất khẩu năm 2017 chỉ là 0,18%. Theo số liệu tổng hợp năm 2017, tỷ suất sinh lời trên doanh thu của Hapro (mẹ) chỉ đạt 0,42%, nếu tính hợp nhất với các công ty con đến tháng 6/2017 (có kiểm toán) thì cũng chỉ đạt 0,51%.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán đến tháng 6/2017, Hapro đạt lợi nhuận sau thuế 9,77 tỷ đồng trên doanh thu 1.936,8 tỷ đồng. Năm 2016, Hapro đạt 52,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trên doanh 2.324,1 tỷ đồng.

Sức hấp dẫn từ...đất

Nhà đầu tư giành được suất thâu tóm Hapro là Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (duy nhất 1 hồ sơ đăng ký). Với mức giá khởi điểm dự kiến 12.800 đồng thì công ty này sẽ bỏ ra tối thiểu 1.830,4 tỷ đồng để mua 65% vốn Hapro.

Với một tỷ lệ nắm giữ chi phối hoàn toàn như vậy, đây là cuộc thâu tóm doanh nghiệp và hoạt động đấu giá cổ phần ra công chúng ít có ý nghĩa. Sẽ rất ít tổ chức khác muốn "dòm ngó" Hapro vì biết chắc sẽ không thể cạnh tranh được quyền lực sau cổ phần hóa.

Hoạt động kinh doanh của Hapro thực tế không có gì nổi bật và thuộc lĩnh vực có mức độ cạnh tranh rất lớn. Chẳng hạn hoạt động xuất nhập khẩu nông sản như mới phân tích ở trên, không đem lại lợi nhuận hấp dẫn cũng như tỷ suất lợi nhuận thấp. Lĩnh vực có tiềm năng đột phá chính là từ việc tái cơ cấu hoạt động thương mại nội địa, phát huy lợi thế quỹ đất phát triển các dự án khác.

Hapro nổi tiếng với nhiều quỹ đất và có vị trí tốt về mặt thương mại. Quỹ đất của Hapro chia làm hai nhóm chính, một nhóm là thuê lại từ nhà nước diện tích đất và cơ sở vật chất có sẵn (nhà cửa) và nhóm thứ hai là quyền sử dụng đất trả tiền thuê hàng năm.

Đối với nhóm thứ nhất, khả năng cải tạo mở rộng là thấp vì liên quan đến nhiều thủ tục, đồng thời đa số diện tích đất đều nhỏ, cơ sở vật chất (nhà cửa) hiện có không đáp ứng được nhu cầu thương mại hiện đại.

Nhóm thứ hai mới là "mỏ vàng" đối với các nhà đầu tư có tiềm lực lớn vì quỹ đất rộng, có thể đầu tư mới trên cơ sở có quyền sử dụng với thửa đất. Hiện tại Hapro chưa phát huy được lợi thế này do nhiều lý do, trong đó có cả yếu tố vốn đầu tư. Nhiều thửa đất đẹp, diện tích lớn cũng chỉ làm các dịch vụ đơn giản như ăn uống, cho thuê lại với các hoạt động lặt vặt thậm chí là kinh doanh sửa xe, bán thuốc, bánh kẹo… với cơ sở hạ tầng kém.

Theo đánh giá thực trạng tài sản cố định của Hapro thời điểm 31/12/2017 thì giá trị quyền sử dụng đất được ghi nhận khoảng 45,6 tỷ đồng. Trong khi đó, Hapro có quyền sử dụng đất thuê là 64 địa điểm, trong đó có nhiều khu đất rộng trên 1000m2 trong địa bàn Hà Nội hay nhiều khu đất rộng hàng trăm mét vuông trong khu vực đất vàng nội thành Hà Nội. Sẽ không thể nào có được quyền sử dụng những thửa đất đó dù cá nhân hay tổ chức nào khác có bỏ ra hàng trăm tỷ đồng. Đơn giản vì những "miếng ngon" đó đã có chủ. Đổi chủ là cách duy nhất để tiếp cận.

Các công ty con của Hapro cũng sở hữu nhiều khu đất có lợi thế thương mại rất lớn và có thể phát triển mạnh hơn nếu được đầu tư lớn. Đó mới là lý do hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược có tầm nhìn và tiềm lực tốt.

Không phải ngẫu nhiên "đối tác chiến lược" thâu tóm Hapro lại không là công ty có thế mạnh trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản, mà là đại gia trong lĩnh vực quản lý khách sạn, phát triển trung tâm thương mại… Quá trình tái cấu trúc hoạt động của những công ty thương mại nhà nước sau bán vốn nhà nước có tính chất giống Hapro cũng đã chứng minh hướng đi này.

Cuộc IPO Hapro ngày 30/3 tới đây chắc chắn sẽ thành công, không phải là từ khía cạnh bán hết cổ phần dự kiến hay không, mà ở mục tiêu đổi chủ. Sẽ có rất ít sự cạnh tranh nếu nhìn từ trường hợp nhà đầu tư cá nhân, thậm chí là tổ chức nhỏ (tỷ lệ sở hữu thấp) rời bỏ Sabeco hay Nhựa Bình Minh mới đây, khi quá trình thâu tóm quyền chi phối doanh nghiệp hoàn tất.