20:39 08/01/2019

Ít nhất 1.000 tỷ USD đã rời khỏi Anh vì Brexit

An Huy

Nhiều hãng sản xuất lớn, bao gồm tập đoàn chế tạo máy bay Airbus, đã cảnh báo sẽ rời Anh

Một cuộc biểu tình ở London hồi năm 2018 kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý về thỏa thuận Brexit cuối cùng - Ảnh: AP.
Một cuộc biểu tình ở London hồi năm 2018 kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý về thỏa thuận Brexit cuối cùng - Ảnh: AP.

Tuy Anh chưa chính thức ra khỏi Liên minh Châu Âu (EU), nhưng vụ "ly dị" mang tên Brexit này đã khiến ngành dịch vụ tài chính của Anh suy giảm.

Trang CNN Business dẫn một báo cáo do công ty tư vấn và kiểm toán EY công bố ngày 7/1 cho biết, các ngân hàng và công ty tài chính đã chuyển lượng tài sản trị giá ít nhất 800 tỷ Bảng, tương đương 1 nghìn tỷ USD, từ Anh sang EU vì Brexit.

Nhiều ngân hàng đã mở văn phòng mới tại các nước EU nhằm đảm bảo hoạt động tại khu vực sau Brexit, đồng nghĩa với việc họ phải chuyển những tài sản quan trọng hơn đến các văn phòng mới này để thỏa mãn các yêu cầu của EU. 

Các công ty khác thì dịch chuyển tài sản nhằm bảo vệ khách hàng khỏi biến động thị trường và những thay đổi bất ngờ về quy chế giám sát.

EY cho biết con số trên chỉ tương đương khoảng 10% tổng tài sản của ngành ngân hàng Anh, và là một ước tính thận trọng, vì một số ngân hàng hiện vẫn chưa công bố kế hoạch của họ.

"Những con số của chúng tôi phản ánh sự dịch chuyển tài sản đã được công bố", ông Omar Ali, trưởng bộ phận dịch vụ tài chính thuộc EY, phát biểu. 

"Chúng tôi biết rằng nhiều công ty vẫn đang âm thầm chuẩn bị cho trường hợp Brexit không có thỏa thuận".

Chỉ còn 81 ngày nữa là Anh chính thức ra khỏi EU, thực thi quyết định của cử tri nước này trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào tháng 6/2016. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Theresa May vẫn chưa có được sự phê chuẩn của Quốc hội Anh dành cho thỏa thuận Brexit mà bà đã đạt được với EU.

Theo dự kiến, Quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận này vào tuần tới. Nếu thỏa thuận bị bác bỏ, thì nhiều khả năng Anh sẽ ra khỏi EU trong tình trạng không có thỏa thuận.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã cảnh báo rằng ảnh hưởng của Brexit không thỏa thuận đối với nền kinh tế nước này sẽ tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Đối với các định chế tài chính, Brexit không thỏa thuận sẽ là một "cơn ác mộng". Các thỏa thuận giữa Anh với các cơ quan giám sát tài chính EU sẽ không còn hiệu lực, và các nhà băng sẽ rơi vào một khoảng trống pháp lý, đồng nghĩa với việc họ không thể tiếp tục một số hoạt động như trước.

EU đã tuyên bố sẽ thực thi một số biện pháp để giảm thiểu những tác động tiêu cực, nhưng nói rằng kế hoạch khẩn cấp này chỉ là giải pháp tạm thời nhằm bảo vệ lợi ích của khối.

"Các công ty dịch vụ tài chính không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp tục chuẩn bị cho tình huống Brexit không thỏa thuận", ông Ali nói.

Sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit, EY đã theo dõi 222 ngân hàng và công ty tài chính lớn nhất tại Anh. Báo cáo của EY cho biết các ngân hàng và công ty tài chính này đã tạo khoảng 2.000 việc làm mới ở EU để chuẩn bị trước cho Brexit.

Loạt nhà băng lớn gồm Deutsche Bank, Goldman Sachs và Citi đều đã chuyển một phần hoạt động khỏi Anh. Những thành phố như Dublin, Luxembourg, Frankfurt và Paris là những điểm đến được lựa chọn nhiều nhất.

EY dự báo các ngân hàng và công ty tài chính sẽ tiếp tục chuyển tài sản và việc làm sang các thành phố châu Âu trong những tuần tới. "Càng đến gần thời hạn 29/3 mà chưa có thỏa thuận, thì sẽ càng có thêm nhiều tài sản và việc làm được dịch chuyển", ông Ali nói thêm.

London vốn là trung tâm tài chính số 1 của châu Âu trong nhiều thập kỷ qua, là nơi nhiều ngân hàng toàn cầu chọn đặt trụ sở quốc tế.

Ngành dịch vụ tài chính tạo khoảng 2,2 triệu việc làm tại Anh và đóng góp 12,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này. Theo dữ liệu của City of London Corporation, ngành dịch vụ tài chính đóng góp số tiền thuế khoảng 72 tỷ Bảng, tương đương 100 tỷ USD, mỗi năm cho nước Anh.

Đến nay, nền kinh tế Anh đã chịu nhiều tác động từ Brexit. Lạm phát tăng mạnh và niềm tin của người tiêu dùng suy giảm, gây tổn thất cho ngành bán lẻ của nước này.

Đầu tư của các doanh nghiệp sụt giảm nhanh chóng vì các công ty tạm gác kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh bấp bênh. Nhiều hãng sản xuất lớn, bao gồm tập đoàn chế tạo máy bay Airbus, đã cảnh báo sẽ rời Anh nếu Brexit không có thỏa thuận. Tập đoàn công nghiệp Schaeffler của Đức đang tiến hành đóng cửa hai nhà máy ở Anh.

Bằng chứng mới nhất về tác động của Brexit được đưa ra vào ngày thứ Hai tuần này, khi Hiệp hội Các nhà sản xuất và kinh doanh ôtô của Anh (SMMT) cho biết lượng xe đăng ký mới ở nước này giảm 6,8% trong năm 2018, đánh dấu năm giảm thứ hai liên tiếp.