Kết quả kinh doanh SHB bắt đầu khác biệt
SHB vẫn giữ tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đột biến như 2017, nhưng quý 1/2018 có khác biệt
Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2018, với kết quả chuyển biến của chất lượng tài sản.
Như được đề cập ở đại hội đồng cổ đông thường niên cuối tháng 4 vừa qua, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của SHB quý 1/2018 đạt gần 503 tỷ đồng, tăng tới 63,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Tốc độ tăng trưởng trên tiếp tục giữ nhịp sau khi thể hiện trong 2017. Cụ thể, năm ngoái ngân hàng này gây chú ý khi đạt lợi nhuận trước thuế gần 2.000 tỷ đồng, tăng trưởng tới 66%.
Với chuyển động trên, phải sau hơn 5 năm sáp nhập Habubank với gánh nặng nợ xấu chuyển giao, từ 2017 kết quả kinh doanh của SHB mới bắt đầu tạo đà mạnh trở lại.
Và với kết quả quý 1/2018, đà tăng trưởng trên tiếp tục giữ nhịp, nhưng có khác biệt lớn.
Trong năm 2017, lợi nhuận SHB tăng mạnh và vượt 11% kế hoạch, với trọng số từ đóng góp dịch vụ. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ 2017 tăng trưởng đột biến, đạt tới 1.456,86 tỷ, gấp tới 4,3 lần năm 2016.
Thế nhưng, trong kết quả quý 1/2018, trọng số trên không thể hiện, thậm chí lãi thuần từ hoạt động dịch vụ chỉ 53 tỷ đồng, giảm đáng kể so với cùng kỳ 2017.
Trước hết, trọng số trên gắn với gói hợp đồng hợp tác chiến lược giữa SHB với Dai-ichi Life Việt Nam, độc quyền phân phối sản phẩm với thời hạn lên tới 15 năm, ký hồi tháng 10/2017. Dù không tiết lộ cụ thể, nhưng đây là gói hợp đồng giá trị lớn, bắt đầu hạch toán trong năm qua.
Còn quý 1/2018, trọng số trên chưa thể hiện ở lãi thuần dịch vụ. Được biết, SHB sẽ tiếp tục thực hiện hạch toán từ quý 2 tới. Liên quan, báo cáo tài chính quý 1/2018 khoản mục các khoản phải thu tăng lên, hàm chứa một cấu phần lợi nhuận sẽ dần được hạch toán từ đó.
Theo đó, lợi nhuận quý 1/2018 của SHB phản ánh tập trung hơn ở chuyển biến của chất lượng tài sản. Hai điểm chính, thu nhập lãi thuần tăng trưởng 16% so với cùng kỳ 2017, trong khi chi phí trích lập dự phòng giảm mạnh (66 tỷ so với mức 191,6 tỷ cùng kỳ 2017).
Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê khẳng định, SHB đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Và có một điểm được chú ý trong quý vừa qua, ngân hàng đã thu hồi một số khoản nợ xấu nhưng thực ra không xấu.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, ngân hàng phải thực hiện phân loại nợ theo kết quả từ Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC). Một doanh nghiệp có các khoản vay tại các ngân hàng khác nhau, nhưng nếu có một khoản báo về CIC thuộc diện nợ xấu, thì tất cả các khoản vay của doanh nghiệp đó tại các ngân hàng khác đều buộc phải phân loại cùng nhóm nợ xấu, và phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tương ứng.
Tại SHB, có những khoản vay doanh nghiệp vẫn trả gốc và lãi định kỳ đầy đủ, vẫn đang triển khai phương án kinh doanh theo hồ sơ vay, nhưng doanh nghiệp có khoản nợ xấu ở ngân hàng khác nên SHB cũng buộc phải chuyển nhóm.
Như trên, khi chưa thực hiện hạch toán khoản thu dịch vụ từ gói hợp đồng chiến lược về bảo hiểm, lợi nhuận quý 1/2018 vẫn tăng trưởng tới 63,7% so với cùng kỳ 2017, phản ánh chất lượng tài sản tốt lên.
Khớp với chuyển biến trên, trong quý 1 vừa qua, tổng tài sản của SHB cũng gần như không tăng (chỉ chớm tăng trưởng 0,3% so với cuối 2017); tăng trưởng tín dụng cũng khá thấp, chỉ với 2,1%.
Nhưng ở vị thế cạnh tranh huy động vốn trên thị trường, SHB có quý đầu tiên tăng trưởng khá mạnh so với nhiều thành viên, cũng như so với bình quân toàn ngành, khi đạt tới 6,9%.