21:51 05/06/2019

Khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam giảm "vì nhiều lý do"

Quang Thanh

Khách du lịch quốc tế 5 tháng đầu năm không tăng mạnh như các năm trước, trong đó có nguyên nhân do lượng khách từ Trung Quốc giảm

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn - Ảnh: VGP.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn - Ảnh: VGP.

Chiều 5/6, chất vấn Bộ trưởng Văn hoá - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tới thực trạng tăng trưởng du lịch của Việt Nam có dấu hiệu chững lại, năng lực cạnh tranh còn hạn chế so với các nước trong ASEAN, cũng như tình trạng tour giá rẻ có nhiều biến tướng tinh vi, làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam. 

Khách du lịch  từ Trung Quốc giảm 

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đặt câu hỏi vì sao năm 2016 - 2017 khách du lịch quốc tế tới Việt Nam tăng 30% nhưng 5 tháng đầu năm nay lại tăng chậm lại, chỉ đạt 8,8%? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết đây là vấn đề đã được dự báo trước. Cho nên, theo tốc độ tăng trưởng này, năm 2019, Việt Nam có khả năng đạt 18 triệu lượt khách quốc tế mà Chính phủ giao.

Bộ trưởng thừa nhận tăng trưởng khách du lịch quốc tế năm nay không tăng mạnh như các năm trước, trong đó nguyên nhân là lượng khách từ Trung Quốc giảm và không tăng trong 5 tháng đầu năm với "nhiều lý do". Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết do không có thời gian nên Bộ sẽ phân tích vấn đề này sau. 

Về giải pháp, ông Thiện nói, ngành du lịch phải đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tại thị trường quan trọng như thị trường Trung Quốc. "Nếu du khách từ thị trường Trung Quốc không tăng thì Việt Nam sẽ gặp khó. Trên thế giới, tất cả các nước đều chú trọng thu hút khách từ thị trường Trung Quốc".

Trả lời chất vấn của đại biểu Hưng về năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF đánh giá du lịch Việt Nam đứng thứ 67/136 nền kinh tế trong năm 2017. Trong đó, Việt Nam có điểm mạnh về tài nguyên tự nhiên xếp thứ 34, tài nguyên thiên nhiên 30, tài nguyên văn hoá 54, sức cạnh tranh về giá 35. Tuy nhiên, xếp hạng chung về năng lực cạnh tranh của Việt Nam lại rất thấp trong ASEAN, so với Thái Lan thứ 34 và Singapore 13.

Nguyên nhân là Việt Nam có một số chỉ số còn hạn chế, như chỉ số hạ tầng du lịch đứng 113/136, mức độ ưu tiên du lịch 101, thị thực 116 trong khi Thái Lan 21, Philippines 24. Việt Nam miễn thị thực đơn phương hơn 20 nước, cấp thị thực điện tử cho 80 nước trong khi Indonesia và Philippines miễn thị thực lần lượt cho 158 và 157 nước.

Tồn tại nhiều hình thức du lịch biến tướng, trá hình

Trong phiên chất vấn, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) nêu sự việc 152 du khách Việt Nam mất tích bí ẩn tại Đài Loan vừa qua, được nghi bỏ trốn. Đây là sự việc này chưa có trong tiền lệ và để lại hệ lụy nặng nề là làm xấu xí hình ảnh Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

"Theo Bộ trưởng, trách nhiệm này thuộc về ai và hướng xử lý sắp tới như thế nào? Bộ trưởng có giải pháp cơ bản nào để ngăn chặn những sự việc tương tự xảy ra", đại biểu Dao đặt câu hỏi.

Bộ trưởng cho rằng sự việc này là do công ty chui, không hợp pháp, các công ty lữ hành đưa đi nước ngoài và bỏ trốn ở Đài Loan, là một vết nhơ của du lịch Việt Nam. Việc này phải bị lên án và xử lý.

"Qua vụ việc này thì trước hết là trách nhiệm thuộc các cơ quan quản lý nhà nước, từ trung ương đến địa phương, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nói chung chưa tốt và đương nhiên ở đây có vi phạm lừa đảo của các doanh nghiệp. Chúng ta đã xử lý và những bài học rút ra ở đây", Bộ trưởng Thiện trả lời.

Bộ trưởng nêu một số giải pháp như quan tâm hơn tới việc cấp phép các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, bảo đảm cải cách thủ tục hành chính vừa phải thông thoáng vừa phải có hậu kiểm, quản lý chặt chẽ.

Cũng trong phiên chất vấn, vấn nạn tour 0 đồng gây bức xúc trong dư luận thời gian qua được đại biểu Nguyễn Thị Xuân - Đắk Lắk đưa ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Văn hoá Thể Thao và Du lịch.

"Hệ luỵ các tour du lịch 0 đồng là các công ty giao dịch bằng ngoại tệ và có 1 hệ thống khép kín từ nhà hàng, khách sạn, vận tải do nước ngoài núp bóng điều hành dẫn đến thất thu thuế, lợi nhuận ở lại nước ngoài còn chúng ta phải gánh chịu chi phí bảo vệ môi trường, an ninh trật tự. Đối với du khách, do bị cắt giảm thời gian nghỉ tại khách sạn, ăn những bữa rẻ tiền, bị ép buộc vào các cửa hàng mua sắm với giá cao gấp nhiều lần thị trường, sau khi biết bị lừa đã lên mạng nói xấu Việt Nam ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam", Đại biểu Xuân nêu và đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý cũng như liệu Bộ đã tính toán cụ thể thiệt hại hàng năm của vấn nạn này hay chưa.

Bộ trưởng Thiện khẳng định phải kiên quyết chống lại hành vi tiêu cực của các tour du lịch 0 đồng. Về các giải pháp, Bộ trưởng cho biết Bộ đã làm việc với các cơ quan quản lý du lịch của các nước đưa khách đến để cùng với nhau quản lý tour du lịch này. Bởi vì chính các nước đưa khách đến cũng rất phản đối các tour du lịch 0 đồng vì làm ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước họ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng phải tích cực tuyên truyền để khách du lịch hiểu được những tiêu cực của các tour du lịch 0 đồng. Đối với công tác quản lý nhà nước, cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các công ty, các hướng dẫn viên thực hiện tour du lịch 0 đồng này.