13:04 18/02/2019

Khối nợ quốc gia 22 nghìn tỷ USD của Mỹ nguy hiểm cỡ nào?

An Huy

Dù chưa tới mức báo động ở thời điểm hiện tại, tương lai của nợ Mỹ là điều khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo lắng

Đồng hồ nợ công của Mỹ ở New York hôm 11/1/2019 - Ảnh: Bloomberg/CNBC.
Đồng hồ nợ công của Mỹ ở New York hôm 11/1/2019 - Ảnh: Bloomberg/CNBC.

Tuần trước, đồng hồ nợ quốc gia (national debt) của Mỹ đã lần đầu tiên trong lịch sử nhảy qua con số 22 nghìn tỷ USD. Theo trang CNBC, mức nợ "khủng" này không gây nguy hiểm trong thời điểm hiện tại, nhưng có thể đặt ra rủi ro không nhỏ đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tương lai.

Nợ quốc gia của Mỹ đã đều đặn tăng trong nhiều thập kỷ, nhưng bất ngờ tăng vọt trong những năm sau khủng hoảng tài chính do Chính phủ nước này bơm mạnh tiền vào nền kinh tế để vực dậy tăng trưởng.

Hai tiêu chí đánh giá

Trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống Barack Obama, nợ quốc gia của Mỹ tăng nhiều hơn trong toàn bộ 232 năm lịch sử trước đó của nước này cộng lại. Ông Obama bước vào Nhà Trắng khi nợ quốc gia của Mỹ ở mức 10,6 nghìn tỷ USD, và rời đi khi số nợ đạt mức 19,9 nghìn tỷ USD. Tính trung bình, trong mỗi năm vị Tổng thống Dân chủ đương chức, nợ quốc gia của Mỹ tăng 1,16 nghìn tỷ USD.

Đà đi lên của nợ quốc gia Mỹ được duy trì dưới thời Tổng thống Donald Trump. Kể từ khi ông Trump lên cầm quyền, nợ quốc gia đã tăng 2,06 nghìn tỷ USD, trung bình tăng 991 tỷ USD mỗi năm - thấp hơn chút ít so với mức tăng trung bình thời Obama.

Có hai tiêu chí để đánh giá về mức độ nguy hiểm của nợ quốc gia.

Tiêu chí đầu tiên là tỷ lệ phần trăm của nợ quốc gia so với tổng sản phẩm trong nước (GDP). Đây là một thước đo quan trọng bởi nó đánh giá khả năng trả nợ của Chính phủ dựa trên tăng trưởng kinh tế, mặt khác cũng giúp xác định xem mỗi đồng vay nợ giúp tạo ra bao nhiêu đồng trong nền kinh tế.

Tỷ lệ nợ quốc gia/GDP của Mỹ đã giữ ở mức khá thấp trong nhiều thập kỷ, cho tới khi bắt đầu leo thang vào đầu thập niên 1980, trong thời chiến tranh lạnh. Tỷ lệ này ở mức khoảng 30,6% khi Tổng thống Ronald Reagan nhậm chức năm 1981, sau đó tăng dần lên đỉnh 65,3% vào giữa 1995, theo dữ liệu từ chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang (FED) tại St. Louis.

Thời Tổng thống Bill Clinton, ngân sách Mỹ có lúc thặng dư, giúp Washington giảm bớt được việc vay nợ, và tỷ lệ nợ quốc gia nhờ đó giảm về 30,9% vào quý 2/2001.

Từ đó trở đi, việc vay nợ để "chiến đấu" với hai cuộc suy thoái kinh tế khiến tỷ lệ nợ quốc gia so với GDP của Mỹ nhảy lên 77,3% ở thời điểm ông Obama nhậm chức. Khi ông Obama rời nhiệm sở, con số này dã là 103,6%.

Từ khi ông Trump lên cầm quyền, tỷ lệ nợ quốc gia so với GDP của Mỹ tiếp tục đi lên, hiện mức khoảng 104,1%.

Một tiêu chí khác để đánh giá mức độ nguy hiểm của nợ quốc gia là tỷ lệ nợ công (public debt) so với GDP. Theo định nghĩa, nợ công là nợ quốc gia sau khi đã trừ đi các khoản vay giữa các cơ quan chính phủ với nhau, chẳng hạn Chính phủ vay từ các quỹ ủy thác như quỹ An sinh xã hội (Social Security) hay quỹ Bảo hiểm y tế (Medicare).

"Thủ phạm" gây tăng nợ

Con số nợ công của Mỹ cũng bắt đầu tăng từ đầu thập niên 1980, từ mức dưới 1 nghìn tỷ USD lên con số 16,2 nghìn tỷ USD hiện nay. Riêng dưới thời ông Obama, nợ công của Mỹ tăng từ 6,3 nghìn tỷ USD lên 14,4 nghìn tỷ USD.

Tỷ lệ nợ công so với GDP của Mỹ đã tăng từ 75% khi ông Trump bắt đầu cầm quyền lên mức 76,4% vào thời điểm quý 3/2018. Dưới thời ông Obama, tỷ lệ này tăng từ 47,5% lên 75%.

Tuy nhiên, tương lai của nợ Mỹ mới là điều khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo lắng.

Hầu hết các dự báo gần đây từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) đều cho thấy nợ công của nước này sẽ tăng lên mức 93% GDP trong 10 năm tới, tỷ lệ cao nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Con số này được dự báo sẽ đạt 150% vào năm 2049, vượt xa mức mà các chuyên gia kinh tế cho là mức bền vững.

Ngoài ra, nếu các chính sách thuế hiện nay được duy trì, thay vì kết thúc như dự kiến, gánh nặng nợ nần của Washington sẽ còn tồi tệ hơn.

"Thủ phạm" chính dẫn tới nợ công của Mỹ tăng là thâm hụt ngân sách Chính phủ nước này. Thâm hụt ngân sách đã tăng lên dưới thời ông Trump, được dự báo sẽ vượt ngưỡng 1 nghìn tỷ USD vào năm 2022, từ mức ước tính khoảng 900 tỷ USD trong tài khóa 2019.

Chính quyền ông Trump nói rằng tăng trưởng kinh tế sẽ giúp tăng thu ngân sách từ thuế, từ đó giảm bớt thâm hụt ngân sách và nợ. Tuy nhiên, đến nay, điều này vẫn chưa trở thành sự thật, dù nền kinh tế Mỹ tăng trưởng khá vững.