16:31 17/11/2017

“Không để thông tin trên mạng xã hội dẫn dắt báo chí”

Nguyên Vũ

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn tại Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trưong Minh Tuấn
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trưong Minh Tuấn

10h sáng 17/11, Quốc hội chuyển sang chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã "trả bài" khá suôn sẻ.

Mạng xã hội không xấu, vấn đề là ý thức sử dụng

Nhóm vấn đề chất vấn Bộ trưởng là việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử. Công tác quản lý Nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình.

Giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội cũng là vấn đề đại biểu chọn chất vấn Bộ trưởng.

Tất cả những vấn đề trên đều đã được đặt ra với Bộ trưởng trong một giờ cuối buổi sáng.

Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) chất vấn về giải pháp đột phá để kiểm soát thông tin trên mạng, vì hiện nay tin giả, xuyên tạc bôi nhọ lãnh đạo theo đại biểu là còn nhiều.

Dẫn thông tin từ báo cáo Bộ trưởng gửi Quốc hội, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) nêu hiện có 363 trang mạng xã hội trong nước và có hai mạng xã hội do tổ chức, cá nhân tại nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam là Facebook và Youtube.

Đây là hai mạng xã hội nước ngoài có đông người dùng Việt Nam sử dụng nhất, Facebook có khoảng 53 triệu thành viên, Youtube có khoảng 35 triệu thành viên tại Việt Nam.

Như vậy, mạng xã hội được phổ cập ngày càng rộng rãi, có hay không việc thông tin từ mạng xã hội đang lấn át thông tin từ báo chí chính thống? Bộ trưởng có giải pháp gì tận dụng mạng xã hội để nâng cao dân trí và hạn chế những tiêu cực trên mạng xã hội?

Trả lời những vấn đề liên quan đến mạng xã hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, Việt Nam đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin của khu vực. "15 năm trước không nghĩ công nghệ thông tin như hôm nay, 15 năm tới không biết phát triển đển mức nào", ông phân vân.

Theo Bộ trưởng, mạng xã hội ra đời mang lại nhiều tiện ích, làm cho con người xích lại gần nhau, là kho kiến thức đồ sộ giúp mọi người có thể tìm kiếm kiến thức mọi nơi mọi lúc.

Không ai có thể đi ngược lại xu hướng tiếp cận mạng xã hội và Internet nhưng mạng xã hội cũng có tác hại không nhỏ đó là thông tin bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm, kích động bạo lực, khiêu dâm... ngày càng nhiều hơn, ông nói.

Đề cập một số ý kiến băn khoăn là có nên sử dụng mạng xã hội nữa không, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng đừng coi sử dụng mạng xã hội là xấu, mà phải xem ý thức sử dụng thế nào.

Trên Facebook, 53 triệu thành viên Việt Nam chủ yếu vẫn là người tốt, vẫn "rất người" với nhau, chỉ có một bộ phận nhỏ (dù 1-2 triệu vẫn là nhỏ so với 53 triệu) nhưng vẫn ảnh hưởng xấu, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường mạng.

Ông nhìn nhận, việc "ném đá" tập thể, nói xấu, chì chiết trên mạng xã hội rất nhiều, bất cứ vấn đề gì cũng có thể xúc phạm nhau.

Năng lượng xấu bắt đầu lấn lướt trên mạng, thời gian qua Bộ đã phối hợp xử lý, tăng cường năng lượng tốt giảm năng lượng xấu, Bộ trưởng cho biết.

Về giải pháp, Bộ trưởng thông tin là đã làm việc với nhà cung cấp mạng xã hội nước ngoài, gỡ bỏ gần 5.000 clip trên Youtube có nội dung xâm hại lợi ích của Nhà nước và cá nhân.

Báo chí cần định hướng mạng xã hội

Nêu giải pháp tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thông tin trên báo chí, nhưng Bộ trưởng lưu ý, là không dùng cụm từ "báo chí chính thống" như đại biểu chất vấn, vì không có "báo chí không chính thống".

Ông cũng đề cập sự cần thiết tăng cường thông tin chính xác, thông tin tốt trên báo chí, để báo chí là hạt nhân định hướng đẩy lùi các thông tin xấu, sai sự thật trên mạng, không để báo chí bị dẫn dắt bởi mạng xã hội.

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) nói, Bộ trưởng trả lời không gọi là "báo chí chính thống", nhưng báo cáo do chính Bộ trưởng ký gửi Quốc hội có nêu: nội dung thông tin trên mạng hiện nay được cung cấp bởi hai nguồn. Thứ nhất là từ các cơ quan báo chí chính thống (gồm báo chí in, báo chí điện tử và phát thanh, truyền hình) và thứ hai là từ truyền thông xã hội.

Hết giờ họp buổi sáng, nên ý kiến đại biểu Thúy chưa có hồi âm. Trước khi Quốc hội nghỉ trưa, nhiều đại biểu cũng đã nêu chất vấn, để đến chiều Bộ trưởng trả lời.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nêu 3 câu hỏi liên quan đến công tác quản lý Nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với thương vụ MobiFone mua cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

Một, từ nhu cầu nào và dựa trên cơ sở nào mà MobiFone sử dụng vốn chủ sở hữu nhà nước để mua cổ phần của AVG?

Hai, giá trị đích thực trong vụ giao dịch chuyển nhượng này là bao nhiêu?

Ba, từ khi mua AVG về MobiFone thì hoạt động của AVG ra sao, hiệu quả của nó có tương xứng với đồng vốn bỏ ra không?

Thời gian chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn còn kéo dài đến hết chiều 17/11.