11:14 26/10/2018

Không nên tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá

Linh Đan

Vấn đề cần đặt ra là hiệu quả sử dụng vốn bởi khi các doanh nghiệp được vay nhiều thì phải trả lãi và nợ gốc nhiều hơn

Sau nhiều năm tăng trưởng cao, tỷ lệ tín dụng trên GDP tại Việt Nam hiện nay đã gần đạt ngưỡng các nước phát triển OECD.
Sau nhiều năm tăng trưởng cao, tỷ lệ tín dụng trên GDP tại Việt Nam hiện nay đã gần đạt ngưỡng các nước phát triển OECD.

"Nếu như trong những năm tới tăng trưởng tín dụng của Việt Nam vẫn đạt tốc độ 15,6%/năm trong khi GDP danh nghĩa chỉ tăng 10,2%/năm như giai đoạn vừa qua thì khoảng 10 năm nữa tỷ lệ tín dụng/GDP sẽ đạt mức 200% và thuộc hàng cao nhất thế giới...", ông Nguyễn Đức Độ, giảng viên Học viện Tài chính, lưu ý.

Khi nói về tăng trưởng tín dụng, ông Nguyễn Đức Độ cho rằng, Chính phủ không nên tăng trưởng bằng mọi giá. Ông dẫn chứng, số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tín dụng cho khu vực tư nhân năm 2017 tại Việt Nam đạt 130% GDP. Còn Ngân hàng Nhà nước đưa ra con số, tính đến cuối năm 2017, tăng trưởng tín dụng đạt 18,17%; tăng trưởng huy động là 14,5%. 

Như vậy, mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn huy động nhưng thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn được đảm bảo nhờ việc Ngân hàng Nhà nước mua 7,5 tỷ USD trong cả năm 2017, trong khi chỉ hút vào gần 31.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.

Theo lý thuyết, tỷ lệ tín dụng cao đồng nghĩa với việc nền kinh tế có thêm vốn kinh doanh. Tuy nhiên, phải đặt ra vấn đề hiệu quả sử dụng vốn, các doanh nghiệp được vay nhiều thì phải trả lãi và nợ gốc nhiều hơn.

Hơn nữa, khi tỷ lệ tín dụng trên GDP cao thì sự ổn định của hệ thống tài chính nói riêng và của nền kinh tế nói chung sẽ trở nên nhạy cảm hơn với những biến động về lãi suất. Một sự gia tăng nhỏ của lãi suất có thể khiến nghĩa vụ trả lãi gia tăng đáng kể và tính bền vững của nền kinh tế bị suy giảm.... 

Thêm vào đó, tỷ lệ tín dụng trên GDP cao không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc khu vực sản xuất được cấp vốn nhiều hơn, mà có thể biểu hiện ở việc dòng vốn chảy vào các thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản do đó dễ dẫn tới bong bóng giá tài sản.

"Việt Nam không nên tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá. Sau nhiều năm tăng trưởng cao, tỷ lệ tín dụng trên GDP tại Việt Nam hiện nay đã gần đạt ngưỡng các nước phát triển OECD. Nếu tỷ lệ này tiếp tục gia tăng thì những rủi ro liên quan đến lãi suất, nợ xấu, bong bóng tài sản sẽ ngày càng cao. Do đó, Chính phủ cần điều chỉnh về tốc độ tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới. Nếu Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức 6,5-7% và lạm phát dưới 4% thì mức tăng trưởng tín dụng nên tương đương với mức tăng trưởng GDP danh nghĩa vào khoảng 10 - 11%/năm sẽ có tính bền vững hơn cả giai đoạn tới. Ngoài ra cũng cần quan tâm hơn nữa đến các kênh huy động vốn không làm gia tăng nợ như kiều hối, FDI cũng như thông qua thị trường cổ phiếu...", ông Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh.

Bà Lưu Ánh Nguyệt, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính cho rằng, một trong những lý do đẩy tỷ lệ tín dụng lên cao là do chính sách giảm lãi suất nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế Việt Nam thực hiện thời gian qua. Tuy nhiên, theo đánh giá thì chính sách giảm lãi suất không đem lại hiệu quả như mong đợi. Nguyên nhân là do hệ thống ngân hàng thương mại chưa lành mạnh, quản trị rủi ro còn nhiều hạn chế. Hệ thống ngân hàng chưa đủ sâu, rộng để thúc đẩy nguồn vốn tới khu vực tư nhân, đặc biệt là đến với các doanh nghiệp nhỏ và vừa...

"Nguồn cung tín dụng đóng vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam nhưng các yếu tố quyết định của nó không được nghiên cứu đầy đủ. Thực tế thời gian qua cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không có ý định tăng thị phần trong hoạt động cho vay mà tập trung thúc đẩy đa dạng hoá ngân hàng thành các lĩnh vực độc đáo và thành lập chi nhánh ở những thị trường mới để cung cấp các dịch vụ tân tiến...", bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai), nhấn mạnh. 

Cũng theo bà Diệp, mặc dù thời gian qua các ngân hàng thương mại liên tục mở rộng dịch vụ nhưng các dịch vụ vẫn chưa đầy đủ; các dịch vụ phi tín dụng như thanh toán, đầu tư, giao dịch ngoại hối, tư vấn tài chính không được phát triển, các sản phẩm ngân hàng hiện đại chỉ trong giai đoạn thí điểm...

Còn bà Hồ Thị Ngọc Tuyền, giảng viên Đại học Ngân hàng Tp.HCM cho rằng, cơ cấu tín dụng hiện nay đang dịch chuyển theo hướng nâng cao chất lượng và an toàn. Con số 80% dư nợ ở các doanh nghiệp và khu vực sản xuất cho thấy điều đó. 

Mặt khác, tín dụng dành cho các ngành có rủi ro cao như bất động sản và thị trường chứng khoán đang được kiểm soát. Hiện các doanh nghiệp có thể phát hành các công cụ dài hạn như trái phiếu để huy động vốn do đó ít phụ thuộc vào ngân hàng trong trung và dài hạn... Song, để đảm bảo phát triển tín dụng an toàn cho nền kinh tế, theo bà Nguyễn Thuỳ Linh, Học viện Tài chính, cần phải có chế tài mạnh trong việc xử lý nợ xấu.

Gần đây Ngân hàng Nhà nước đã có động thái là không cho ngân hàng thương mại trả cổ tức nếu không trích đủ dự phòng rủi ro, nhưng biện pháp này chưa đủ mạnh, mà cần có quy định trong vòng bao nhiều năm nếu ngân hàng thương mại không giảm được tỷ lệ nợ xấu thì không được mở rộng hoạt động. Ngoài ra có thể yêu cầu trích lập dự phòng lên đến 100% vì thực tế có những quốc gia yêu cầu trích lập dự phòng lên đến 150%, thậm chí là 250%.