Kiểm soát bề mặt bao che công trình xây dựng
Lần đầu tiên vấn đề quản lý bề mặt bao che công trình xây dựng được đặt ra tại Việt Nam thông qua Hội thảo quốc tế FAÇADE
Lần đầu tiên vấn đề quản lý bề mặt bao che công trình xây dựng được đặt ra tại Việt Nam thông qua Hội thảo quốc tế FAÇADE - the Face of Town do Viện Khoa Học Công Nghệ Xây Dựng (IBST) phối hợp với Công ty TID tổ chức ngày 21/12/2017 tại Hà Nội.
Theo ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, trước đến nay chúng ta chưa quan tâm để vấn đề kỹ thuật, pháp lý cũng như mỹ thuật trong tổng thể khu đô thị của mặt dựng công trình xây dựng. Có chăng mới chỉ quan tâm đến kiến trúc, mỹ thuật riêng lẻ cho từng công trình và tính an toàn nhữ chống thấm, va đập…
TS. Nguyễn Đại Minh - Viện trưởng IBST, cho biết IBST đã tiến hành thí nghiệm liên quan đến kết cấu bao che trên gần 100 công trình xây dựng ở nhiều khu vực trong cả nước. Đó là những thí nghiệm như mức độ chịu đựng gió, bão, động đất, va đập, cháy nổ… Kết quả là phần lớn các bề mặt công trình xây dựng chỉ chịu đựng được những thí nghiệm đơn thuần, còn những thí nghiệm nghiêm ngặt thì không vượt qua.
Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có chế tài nào quy định các tiêu chuẩn cụ thể cũng như tiêu chuẩn khắt khe như nhiều quốc gia trên thế giới nên không thế "kết tội" các công trình xây dựng này được.
Kiến trúc sư Chris Bosse - Giám đốc điều hành Lava Asia Pacific (Australia), chia sẻ, những thiết kế kiến trúc mà không quan tâm đến sự kết nối không gian sử dụng bên trong với bề mặt ngoài của công trình xây dựng đã lỗi thời. Trong kiến trúc hiện đại bề mặt dựng của công trình chiếm một tầm quan trọng lớn và tương lai sẽ bị ảnh hưởng bởi công nghệ hiện đại.
Hiện các toà nhà mới mọc lên có bề mặt thay đổi theo thời tiết, ánh sáng, nhiệt độ bên ngoài đang ngày một nhiều hơn. Đó chính là lối kiến trúc học hỏi từ thiên nhiên, phản ứng lại sự biến đổi của môi trường, tương tác với môi trường xung quanh để tồn tại bền vững…
Thực tế tại Việt Nam, TS. Vũ Thành Trung - Phó giám đốc Viện Khoa học Công nghệ và Xây dựng chỉ ra, bề mặt dựng đang chiếm khoảng 20% giá trị đầu tư xây dựng một công trình và nó cũng đem lại giá trị lợi nhuận lớn cho công trình đó.
Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa có hệ thống quản lý chất lượng hệ kết cấu bao che cho các công trình xây dựng do đó chúng ta chưa đào tạo bài bản nhân lực cho vấn đề này. Có ba nhóm tiêu chí được đề cập bao gồm các tiêu chuẩn đánh giá mức độ an toàn chịu lực, kiểm soát năng lượng và chi phí bảo hành bảo trì.
Dựa trên 3 nhóm đó Việt Nam cần xây dựng và ban hành hệ thống các tiêu chuẩn, chỉ dẫn công tác thiết kế, thi công, nghiệm thu, bảo trì và kiểm soát năng lượng cho hệ thống bao che công trình xây dựng...
Ông Mathieu Meur, Giám đốc điều hành DP Façade - thành viên của DPA (Singapore) cũng cho rằng, bề mặt ngoài của công trình có tính quyết định rất cao đến chất lượng công trình vì nó có tuổi thọ thấp hơn chính công trình xây dựng đó. Đó là lí do các công trình xây dựng thường xuyên phải bảo trì lại bề mặt ngoài…
Ngoài ra, bề mặt ngoài sẽ quyết định đến mỹ quan của thành phố, nếu không quản lý được sẽ tạo nên một thành phố thiếu tính mỹ thuật.
Cũng theo ông Mathieu Meur, nhiều thành phố trên thế giời còn quy định đến cả màu sơn của bề mặt ngoài công trình, thậm chí cả nhà dân vì nó tác động chung đến mỹ quan thành phố. Do đó, kể cả người dân khi muốn sơn lại mặt ngoài công trình xây dựng của mình phải xin phép và làm đúng yêu cầu về màu sắc…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Qung Hùng nhấn mạnh, tự mặt ngoài công trình là một kết cấu, ngoài chức năng bao che còn có chức năng liên quan đến kiến trúc, mỹ thuật tổng thể với các công trình xây dựng xung quanh, với kiến trúc của thành phố. Trong kiến trúc hiện đại, mặt ngoài công trình còn liên quan đến vấn đề điều tiết ánh sách, không khí, tiết kiệm năng lượng…
Do đó, đã đến lưc Việt Nam cần có chính sách quản lý mặt dựng của công trình xây dựng vì nó liên quan đến phát triển bền vững, cân bằng sinh thái cũng như mỹ quan đô thị…