Kiểm toán chỉ ra loạt vi phạm tại dự án BOT cầu Đồng Nai mới
Kiểm toán Nhà nước phát hiện hàng loạt sai phạm tại dự án đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai mới theo hình thức hợp đồng BOT
Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo về hoạt động quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu từ ngã ba Tân Vạn đến điểm cuối tuyến tránh thành phố Biên Hoà theo hình thức hợp đồng BOT.
Dự án này được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương tháng 4/2007. Nhà đầu tư là Tổng công ty Xây dựng số 1 - Công ty Cổ phần, tên doanh nghiệp Dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng đồng Nai được thành lập giữa Tổng công ty Xây dựng số 1 - Cục đường bộ Việt Nam và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng cầu Đồng Nai mới. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1, 2, 3 được điều chỉnh lần cuối ngày 3/4/2015 của Bộ Giao thông Vận tải là 2.202 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư gồm cả giai đoạn 4 điều chỉnh là 3.141 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán cho thấy, nguồn vốn đầu tư thực hiện giai đoạn 1,2,3 tính đến ngày 30/9/2017 là 1.787 tỷ đồng, giảm 67 tỷ đồng so với nguồn vốn báo cáo ban đầu do ghi nhận thêm nguồn tiền từ thu phí trạm sông Phan trong thời gian xây dựng là 176 tỷ đồng; vốn vay tín dụng giảm 244 tỷ đồng.
"Việc không tính đến nguồn thu tại trạm thu phí sông Phan trong thời gian xây dựng dự án làm tăng chi phí vốn đầu tư, tăng tỷ suất chiết khấu của dự án, là một trong các thông số tài chính làm tăng thời gian hoàn vốn dự án", Kiểm toán Nhà nước nêu.
Theo đó, về thời gian hoàn vốn dự án, tại hợp đồng số 18/PLHĐBOT-BVTVT ngày 8/6/2015, thời gian thu phí là 18 năm 4 tháng. Sau kiểm toán, thời gian thu phí đã được điều chỉnh giảm 7 năm 8 tháng, tức còn 10 năm 7 tháng.
Thời gian thu phí rút ngắn cũng một phần do Kiểm toán Nhà nước phát hiện doanh thu thu phí tại trạm thu phí cầu Đồng Nai thực tế tăng so với phương án tài chính là: Năm 2015 tăng 20% (tức tăng từ 398,46 tỷ đồng lên 480,5 tỷ đồng); năm 2016 tăng 30,31%; 9 tháng năm 2017 tăng bình quân 58,3%.
Theo Kiểm toán Nhà nước, trong lần điều chỉnh thứ 4, bổ sung hạng mục tuyến nối quốc lộ 1, quốc lộ 551 với quốc lộ 1K và cầu An Hảo làm tăng tổng mức đầu tư từ 2.130 tỷ đồng lên 3.141 tỷ đồng. Trong đó, hạng mục xây dựng cầu An Hảo và tuyến hai đầu cầu thuộc danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 theo hình thức hợp đồng BOT, BT được phê duyệt theo Nghị quyết 98 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Đồng Nai đã không thực hiện thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và công bố dự án mà đề xuất Bộ Giao thông Vận tải bổ sung vào Dự án đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai mới là chưa phù hợp với Nghị định 15 của chính phủ.
Đến thời điểm kiểm toán, các hạng mục đầu tư giai đoạn 4 đã hoàn thành nhưng chưa ký bổ sung hợp đồng BOT. Hạng mục của giai đoạn 4 cũng không thuộc phạm vi của dự án được xây dựng ban đầu.
Về tiến độ thực hiện dự án, thời gian dự kiến ban đầu là 24 tháng (hoàn thành tháng 6/2010) tuy nhiên do không giải phóng được mặt bằng và liên tục điều chỉnh, bổ sung hạng mục, đến tận tháng 3/2015, dự án mới hoàn thành các hạng mục chính và đưa vào khai thác, thu phí hoàn vốn. Như vậy, dự án đã chậm tiến độ 5 năm.
Cũng tại báo cáo này, Kiểm toán nhà nước phát hiện, Cục Đường bộ (nay là Tổng cục Đường bộ) ký hợp đồng BOT số 22 và Bộ Giao thông Vận tải cho phép chuyển giao và thu phí tại trạm thu sông Phan từ ngày 1/1/2009 để thu phí hoàn vốn và tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư trong thời gian xây dựng cầu Đồng Nai mới.
Việc này được Thủ tướng xem xét, có ý kiến tham mưu thống nhất của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư. Song, Cục đường bộ và Tổng công ty xây dựng số 1 đã tự ký hợp đồng thu phí trước khi có ý kiến của Văn Phòng Chính phủ và Bộ Tài chính.