14:57 10/10/2018

Kim ngạch xuất khẩu gạo tăng cao nhờ giá tăng mạnh

Nguyễn Huyền

Dù vậy, lợi nhuận mà người nông dân thu được vẫn thấp, nguyên nhân do tổn thất sau thu hoạch còn quá lớn

Vào năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch xuống mức khoảng 10%
Vào năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch xuống mức khoảng 10%

9 tháng đầu năm 2018, lượng gạo xuất khẩu chỉ tăng 8,5% nhưng kim ngạch lại tăng đến 23,2% so với cùng kỳ năm 2017 nhờ giá gạo xuất khẩu tăng mạnh. Gạo là mặt hàng nông sản hiếm hoi có giá xuất khẩu tăng cao, thậm chí cao hơn cả gạo Thái Lan - lâu nay luôn có giá bán cao hơn gạo Việt Nam. Dù vậy, lợi nhuận mà người nông dân thu được vẫn thấp, nguyên nhân do tổn thất sau thu hoạch còn quá lớn, 14%/năm.

Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 9/2018 ước đạt 443 ngàn tấn với giá trị ước đạt 212 triệu USD, đưa lượng xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt gần 5 triệu tấn và đạt kim ngạch 2,5 tỷ USD, tăng 8,5% về lượng và tăng 23,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Thị trường gạo sôi động cuối năm

Giá gạo xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2018 đạt 504 USD/tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy suy giảm cả về lượng và giá trị nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2018 với 23,2% thị phần, đạt 1,02 triệu tấn và 529,9 triệu USD, giảm 34,9% về lượng và giảm 24,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Cũng trong thời gian này, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Indonesia (gấp 67 lần), Iraq (gấp 3 lần), Hồng Kông - Trung Quốc ( 70,6%), Philippines ( 67,4%) và Malaysia ( 26,9).

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong khi Iraq nhập khẩu gạo của Việt Nam đợt lớn nhất trong những năm gần đây và thông báo mở thầu mới, thì tuần qua Philippines góp phần làm thị trường sôi động hơn do thông báo mở thầu tiếp đợt mới. 

Tin tức quan trọng này xuất phát từ Hội đồng Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA) chấp thuận cho nhập khẩu thêm 500 ngàn tấn gạo năm 2018, đưa tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này trong năm 2018 lên 750 ngàn tấn, chỉ trong vòng 3 tháng. Philippines cũng thông qua hạn ngạch nhập khẩu 1 triệu tấn gạo cho năm 2019; tuy nhiên, động thái này chưa tác động mạnh đến thị trường gạo hiện tại nhưng là yếu tố chi phối trong tương lai.

"Tăng trưởng nhập khẩu gạo từ Philippines sẽ tiếp tục tăng lên, bởi ngoài việc nhập khẩu thêm 500 ngàn tấn gạo cho năm 2018, 1 triệu tấn năm 2019 và cho phép tư nhân nhập khẩu theo chương trình MAV (số lượng tiếp cận tối thiểu) thường niên vẫn đang tiếp tục khi nước này đang nỗ lực để kiểm soát giá gạo nội địa đang tăng và lạm phát. NFA cho biết, trước mắt dự kiến mở thầu nhập khẩu 250 ngàn tấn gạo 25% tấm vào ngày 18/10/2018, theo hình thức G2P, giao hàng đến 30/11/2018", đại diện VFA cho hay.

Nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước như Philippines, Indonesia, Iraq tăng nhằm bù đắp sản lượng thiệt hại do thiên tai và nhu cầu tiêu thụ gạo thường tăng vào các tháng cuối năm; vì vậy, dự báo, thị trường lúa gạo trong nước sẽ khởi sắc trong quý 4/2018.

Tổn thất sau thu còn quá lớn

Theo thống kê của Liên hợp quốc, lượng lương thực bị tổn thất sau thu hoạch trên thế giới có thể nuôi sống được 200 triệu người, quy đổi tương đương khoảng 48 tỷ USD.

Tại Việt Nam, theo các chuyên gia, cho dù thị trường có khởi sắc đến đâu nếu mỗi năm lượng lương thực tổn thất sau thu hoạch còn quá lớn thì tích luỹ của người nông dân vẫn không cao. Nếu ngành nông nghiệp giảm được tổn thất sau thu hoạch sẽ tăng gấp đôi lợi nhuận cho người nông dân. Tuy nhiên, trên thực tế việc giảm tổn thất sau thu hoạch còn gặp rất nhiều khó khăn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thừa nhận, các cuộc giải cứu nông sản, các điệp khúc được mùa mất giá... là do ngành nông nghiệp mới giải quyết được khâu sản xuất còn hai khâu bảo quản và chế biến nông sản vẫn còn yếu; trong đó dễ hình dung nhất là tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch bình quân của các sản phẩm nông nghiệp ở Việt Nam còn quá cao, khoảng 20% - 25%.

Cụ thể: Ngành lúa gạo tổn thất 14%/năm tương đương khoảng 3.000 tỷ đồng. Chăn nuôi, cây ăn quả tổn thất từ 10% - 25%, rau củ tổn thất 30%, đánh bắt thủy sản khoảng 30%. Hiện nay mức tổn thất sau thu hoạch của Việt Nam cao hơn tổn thất sau thu hoạch bình quân trên thế giới là 15% - 20%.

Vào năm 2020, Việt Nam sẽ giảm tổn thất sau thu hoạch xuống mức khoảng 10%. Đây là mục tiêu chung của toàn thể các quốc gia trong khu vực APEC, vì hiện có đến 90% nông dân ở khu vực APEC là những nông hộ nhỏ khó có điều kiện tiếp cận các công nghệ tiên tiến trong bảo quản và thu hoạch.

Vì vậy, Nhà nước cần phải hỗ trợ nông dân tiếp cận được với công nghệ, đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch để đảm bảo nông dân không bị mất đi phần lợi nhuận mà lẽ ra họ được hưởng...