17:44 02/01/2019

Kinh tế Anh trong nỗi sợ "ly dị" EU không thoả thuận

Bình Minh

Sự bấp bênh được xem là nguyên nhân quan trọng khiến nền kinh tế Anh giảm tốc mạnh

Các nghiên cứu của Chính phủ Anh dự báo quy mô nền kinh tế nước này sẽ nhỏ đi 7,7% trong vòng 15% sau Brexit không thỏa thuận, so với trường hợp vẫn giữ được các thỏa thuận thương mại hiện nay - Ảnh: Getty/CNN.
Các nghiên cứu của Chính phủ Anh dự báo quy mô nền kinh tế nước này sẽ nhỏ đi 7,7% trong vòng 15% sau Brexit không thỏa thuận, so với trường hợp vẫn giữ được các thỏa thuận thương mại hiện nay - Ảnh: Getty/CNN.

Trong năm 2019 này, nước Anh có thể đứng trước một lựa chọn kinh tế đầy khó khăn: hoặc ra khỏi Liên minh Châu Âu (EU) - tức Brexit - với một thỏa thuận, hoặc suy thoái.

Về lý thuyết, cuộc "ly dị" giữa Anh với EU sẽ chính thức hoàn tất vào ngày 29/3. Nếu nước này ra đi mà không có một thỏa thuận nào với EU, thì kết quả sẽ là những biến động to lớn, trong khi một thỏa thuận giữa hai bên sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của Brexit đối với nền kinh tế.

Trang CNN Business dẫn một báo cáo của ngân hàng UBS nhận định rằng triển vọng của nền kinh tế Anh tùy thuộc vào việc Brexit có thỏa thuận hay không. Sự gián đoạn thương mại gây ra bởi Brexit không thỏa thuận sẽ "đẩy nước Anh vào suy thoái kinh tế". Còn nếu Anh và EU có thỏa thuận, các doanh nghiệp sẽ cảm thấy yên tâm.

Thủ tướng Anh Theresa May đã đàm phán một thỏa thuận Brexit với EU, nhưng thỏa thuận này đang vấp phải sự phản đối của Quốc hội Anh. Theo dự kiến, các nghị sỹ Anh sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận này trong tháng 1/2019.

Một cuộc "ly hôn" không thỏa thuận giữa Anh và EU được coi sẽ là thảm họa đối với nhiều công ty ở Anh. Một loạt hàng rào thương mại mới sẽ được dựng lên và môi trường pháp lý trở nên bấp bênh. Các nhóm vận động hành lang đã cảnh báo rằng nhiều công ty chưa hề chuẩn bị sẵn sàng cho một vụ Brexit không thỏa thuận.

"Nước Anh sẽ phải thiết lập lại những thỏa thuận quan trọng nhất trong số hàng trăm thỏa thuận thương mại và pháp lý quốc tế mà họ hiện đang có nhờ địa vị thành viên EU", chuyên gia Andrew Goodwin thuộc Oxford Economics nhận định.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng hệ quả của Brexit không thỏa thuận sẽ nhanh chóng được thể hiện.

Công ty nghiên cứu Capital Economics nhận định Brexit không thỏa thuận sẽ khiến kinh tế Anh suy giảm 0,2% trong năm nay. Đồng Bảng có khả năng sụt giá về mức 1 Bảng đổi 1,12 USD, từ mức khoảng 1 Bảng "ăn" 1,26 USD hiện nay.

Còn theo Oxford Economics, đến năm 2020, kinh tế Anh sẽ suy giảm 2,1% so với trong trường hợp Brexit có thỏa thuận.

Một thỏa thuận Brexit giữa Anh với EU sẽ giúp mang lại sự an tâm cho các công ty vốn đã sống trong sự bấp bênh suốt hai năm qua. Nhiều tổ chức đại diện doanh nghiệp đã hối thúc các nghị sỹ Anh thông qua thỏa thuận mà bà May đã đạt được với EU.

Sự bấp bênh được xem là nguyên nhân quan trọng khiến nền kinh tế Anh giảm tốc mạnh trong nửa sau của năm 2018. Tiêu dùng và đầu tư kinh doanh ở nước này cũng đã sa sút kể từ khi cử tri Anh chọn rời EU trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.

"Rủi ro trong dài hạn đối với tăng trưởng kinh tế Anh từ Brexit là lớn, nhưng Brexit có thỏa thuận sẽ giúp ích nhiều cho kinh tế Anh trong trung hạn", chuyên gia kinh tế cấp cao Kallum Pickering thuộc Berenberg nhận định. Cũng theo vị chuyên gia này, những công ty đối mặt nhiều rủi ro nhất, chẳng hạn các hãng sản xuất xe hơi, cũng sẽ là những doanh nghiệp hưởng lợi nhiều nhất nếu Brexit có thỏa thuận.

Tuy nhiên, Anh rời EU theo thỏa thuận của bà May hoặc không thỏa thuận không phải là những lựa chọn duy nhất dành cho nước này. Vẫn còn có hai kịch bản khác: hoãn Brexit, hoặc thậm chí hủy Brexit.