Kinh tế Mỹ giảm tốc nhưng vẫn tốt hơn dự báo
Các số liệu chi tiết cho thấy có vẻ nền kinh tế Mỹ hiện không ở gần suy thoái như lo ngại của nhiều người
Tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm mạnh trong quý 2 do tác động của cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc và sự giảm tốc kinh tế toàn cầu, nhưng vẫn đạt mức khả quan hơn dự báo của Phố Wall.
Hãng tin CNBC dẫn báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 26/7 cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 2,1% so với cùng kỳ 2018, từ mức tăng 3,1% trong quý 2. Đây là mức tăng yếu nhất của kinh tế Mỹ kể từ quý 1/2017 - thời điểm Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền.
Trước khi dữ liệu này được công bố, giới phân tích dự báo kinh tế Mỹ đạt mức tăng 1,8-2% trong quý 2.
Các số liệu chi tiết trong bản báo cáo được đánh giá là giảm bớt mối lo suy thoái - điều mà các chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bàn đến thời gian gần đây.
"Nỗi lo suy thoái đã bị thổi phồng", chiến lược gia Michael Arone thuộc State Street Global Advisors nhận xét. "Các số liệu kinh tế tiếp tục cho thấy nền kinh tế hiện đang không ở gần một cuộc suy thoái, ít nhất là trong khoảng một năm tới".
Tăng trưởng GDP quý 2 của Mỹ được hỗ trợ bởi tiêu dùng cá nhân và chi tiêu chính phủ, trong khi chịu áp lực suy giảm từ việc các doanh nghiệp hạn chế đầu tư.
Tiêu dùng cá nhân tăng 4,3%, mức tăng mạnh nhất kể từ quý 4/2017. Chi tiêu chính phủ tăng 5%, mạnh nhất kể từ quý 2/2009 - thời điểm kinh tế Mỹ đang thoát dần khỏi suy thoái.
Đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân giảm 5,5%, tệ nhất từ quý 4/2015, là nhân tố gây hao hụt 1 điểm phần trăm trong tốc độ tăng trưởng GDP.
Mối lo về cuộc chiến thuế quan "ăn miếng trả miếng" không khoan nhượng giữa Mỹ và Trung Quốc được xem là nguyên nhân chính khiến giới doanh nghiệp Mỹ bi quan, dẫn tới các kế hoạch đầu tư kinh doanh bị gác lại hoặc cắt giảm.
Giới chuyên gia cũng đang lo ngại sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu sẽ lan tới Mỹ. Tiêu dùng ở Mỹ vẫn mạnh, nhưng tăng trưởng của ngành sản xuất đã sụt giảm gần đây và thị trường bất động sản nước này tiếp tục là một điểm yếu trong nền kinh tế.
"Hiện tại, tiêu dùng trong nước mạnh vẫn đang giúp bù đắp lại áp lực mà ngành sản xuất suy yếu gây ra cho nền kinh tế", chiến lược gia Michael Reynolds thuộc Glenmede nhận định.
Trong bối cảnh như vậy, tiêu dùng cần tiếp tục tăng mạnh để giữ vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế Mỹ, nếu không, ông Trump sẽ rất khó đạt mục tiêu tăng trưởng 3% cả năm mà ông đề ra khi triển khai chương trình cắt giảm thuế 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2017. Năm ngoái, kinh tế Mỹ tăng 2,9%.
Với kinh tế giảm tốc, FED được dự báo hạ lãi suất trong cuộc họp vào ngày 30-31/7. Dữ liệu từ sàn CME cho thấy giới giao dịch đang đặt cược khả năng FED hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm ở mức 100%. Ngoài ra, thị trường cũng đang đặt cược khả năng 53% FED hạ lãi suất thêm hai lần nữa trước khi kết thúc năm 2018.