16:26 29/03/2019

Kinh tế thế giới giảm tốc nhanh: Việt Nam chưa phải điều chỉnh giải pháp

Nguyên Hà

Các thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá kinh tế trong nước vẫn giữ được ổn định dù bên ngoài đang biến động mạnh

Họi đồng Tư vấn cho rằng, cần đẩy mạnh việc đầu tư và phát triển kinh tế tư nhân.
Họi đồng Tư vấn cho rằng, cần đẩy mạnh việc đầu tư và phát triển kinh tế tư nhân.

Trong 3 tháng đầu năm 2019, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục giảm tốc nhanh hơn dự báo, sản xuất tăng chậm ở các khu vực chủ chốt, song theo các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, kinh tế trong nước vẫn giữ được ổn định, chưa phải điều chỉnh các giải pháp đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP đầu năm nay của Chính phủ.

Tại phiên họp quý 1/2019 của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chiều 28/3, các thành viên Hội đồng nhận định trong 3 tháng đầu năm 2019, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục giảm tốc nhanh hơn dự báo, sản xuất tăng chậm ở các khu vực chủ chốt, xuất khẩu giảm trong nhiều tháng ở một số nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan,... Chỉ số thương mại ở mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng toàn cầu.

Bối cảnh đó cũng tác động tới nền kinh tế trong nước, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu trong khi tác động của Hiệp định CPTPP chưa rõ ràng trong năm 2019. Theo Bộ Công Thương, xuất nhập khẩu trong những tháng đầu năm đạt 4,7%, thấp hơn kỳ vọng nhưng vẫn cao hơn mức tăng của các nước trong khu vực.

Tính tới hết năm, Bộ Công Thương tin tưởng vẫn hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội đề ra là sản xuất công nghiệp tăng trưởng 9-10%, xuất khẩu tăng từ 8-10% do còn dư địa trong một số ngành như thép, ôtô, nhiệt điện, da giày, dệt may, nông - lâm - thủy sản…

Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng đánh giá kinh tế trong nước vẫn giữ được ổn định, chưa phải điều chỉnh các giải pháp đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 1/1/2019. Cầu trong nước vẫn khá ổn định, tiêu dùng và đầu tư nước ngoài vẫn giữ tăng trưởng khá và giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ 2018.

Về các chính sách kinh tế vĩ mô, các thành viên Hội đồng đánh giá các bộ, ngành điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, có sự phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm giữ ổn định lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.

Cụ thể, giá trị đồng tiền và lãi suất liên ngân hàng ổn định, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,67% so với cuối năm 2018, góp phần kiểm soát lạm phát. Tỷ giá ổn định, thu ngân sách nhà nước khả quan ở các lĩnh vực, tăng 12,3% so với cùng kỳ, bằng hơn 1/4 kế hoạch thu của cả năm. Công tác khắc phục, xử lý nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh, giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2016. Nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia cũng trên đà giảm.

Các thành viên Hội đồng đề nghị kiên trì thực hiện các giải pháp tại Nghị quyết số 01 và 02/NQ-CP của Chính phủ, nhưng trên tinh thần nắm bắt kịp thời các diễn biến ở trong nước và thế giới để cập nhật các giải pháp điều hành.

Để bảo đảm tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc trong Luật Quy hoạch, sớm hoàn thiện chính sửa Luật Đầu tư công, xây dựng mô hình Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ đạo các địa phương bố trí vốn cho Quỹ này ở địa phương.

Hội đồng Tư vấn cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình lớn, trọng điểm ở các cấp; đẩy mạnh việc đầu tư của tư nhân bằng giải pháp các địa phương lập danh mục các dự án để tập trung thúc đẩy đầu tư, xây dựng và đưa vào khai thác.