12:05 07/01/2020

Kinh tế Việt Nam 2020: Xuất khẩu vượt trội, cầu nội địa và xây dựng bùng nổ

Quỳnh Nguyễn

Các nhà phân tích của MBKE dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và 2021 sẽ ở mức khá; cầu nội địa và xây dựng bùng nổ do tăng cường đầu tư công

Trong năm 2020, kì vọng xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục vượt trội trong khu vực khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có tiến triển tích cực và ngành công nghệ toàn cầu hồi phục. Những dấu hiệu này phù hợp với hướng xuất khẩu tập trung sản xuất và dịch vụ thương mại của Việt Nam.

Đây là một phần dự báo của hai nhà phân tích Linda Liu và Chua Hak Bin đưa ra trong báo cáo do Maybank Kim Eng (MBKE) phát hành có tựa đề "Kinh tế Việt Nam – Nước rút mạnh mẽ 2019, Chắc chắn trong 2020".

Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý 4/2019 đạt mức trung bình vì ngành công nghiệp tăng chậm; năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng GDP cả năm đạt trên 7%.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 7% trong quý 4 (so với mức 7,5% hồi quý 3), dù khu vực nông nghiệp và công nghiệp tăng trưởng chậm lại nhưng nhờ vào ngành xây dựng, dịch vụ tăng mạnh (dẫn đầu là dịch vụ thương mại và du lịch).

"Cả năm 2019, GDP tăng trưởng trong mức dự báo của chúng tôi đạt 7% (so với 7,1% năm 2018) và đây cũng là năm thứ hai liên tiếp, Việt Nam có tăng trưởng GDP trên 7% kể từ năm 2007 và nằm trong nhóm nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới" – báo cáo nêu.

Ngành công nghiệp và xây dựng tăng trưởng trung bình ở mức 7,9% (so với mức 10,4% hồi quý 3) do nhóm ngành khai khoáng suy giảm và các nhóm ngành khác tăng chậm. Nhóm khai khoáng tăng trưởng âm ở mức -0,9% (so với 4,2% trong quý 3) sau khi đã tăng trưởng liền hai quý trước do sản lượng khai thác dầu thô, khí tự nhiên và khai khoáng khác đều giảm lần lượt 3,6% và 0,8%. Sản xuất dù chậm đôi chút nhưng vẫn tiếp tục ổn định (10,9% so với 12% trong quý 3) chủ yếu do than cốc và lọc hóa dầu giảm (giảm 16%).

Ngành xây dựng tiếp tục duy trì đà tăng mạnh trong quý 4 của 3 năm liền (11,9% so với -15% hồi quý 3), chủ yếu do Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là đầu tư vào giao thông (tăng 65% so với -16% quý 3). 

Bên cạnh đó, du lịch phục hồi thúc đẩy tăng trưởng ngành dịch vụ, tăng 8,1% trong quý 4 so với 7,3% của quý 3, đặc biệt là bán lẻ tăng (12,5% so với 12,2%) nhờ tiêu dùng nội địa và du lịch phục hồi mạnh mẽ (32% so với 18%).

Năm 2019, thương mại Việt Nam ghi dấu ấn ở cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu được cải thiện vào tháng 12 sau 2 tháng liền tăng trưởng chậm. Mặc dù cán cân thương mại tháng 12 thâm hụt khoảng 1 tỉ USD (so với mức thặng dư 1,5 tỉ USD trong tháng 11), tính chung cả năm, cán cân thương mại Việt Nam thặng dư ở mức kỷ lục, đạt 9,9 tỉ USD.

Xuất khẩu khu vực đang có nhiều dấu hiệu "thoát đáy" và dần hồi phục, xuất khẩu của Việt Nam đến các thị trường chủ lực đã rộng mở hơn trong tháng 12. Xuất khẩu vào Mỹ tăng 24,4% tiếp tục đóng góp mạnh mẽ nhất cho tăng trưởng xuất khẩu, tiếp đó là vào thị trường Trung Quốc tăng 11,9% và Nhật Bản tăng 7,3%.

Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt mức 6,6% 

Hai nhà phân tích Linda Liu và Chua Hak Bin dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và 2021 sẽ ở mức khá, đạt 6,6% vì Việt Nam đang chuyển dần sang mức tăng trưởng tiềm năng để kiểm soát các rủi ro.

Với việc thương mại quốc tế dần nới lỏng, kinh tế thế giới phục hồi, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 tiếp tục có nhiều dấu hiệu tích cực. Sản xuất và xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ vào FDI thực hiện tăng trong khi kinh tế khu vực có dấu hiệu phục hồi.

Trong nước, cầu nội địa và xây dựng bùng nổ do tăng cường đầu tư công sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm 25 điểm % của lãi suất tái cấp vốn còn 5,75%. Tỉ giá USD/VND cuối năm 2020 sẽ ở mức khoảng 23.000 đồng/USD.

Đồng thời, kì vọng xuất khẩu Việt Nam tiếp tục vượt trội trong khu vực trong năm 2020 khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có tiến triển tích cực và ngành công nghệ toàn cầu hồi phục. Những dấu hiệu này phù hợp với hướng xuất khẩu tập trung sản xuất và dịch vụ thương mại của Việt Nam.

Về lạm phát, dự báo chỉ số lạm phát toàn phần năm 2020 có thể đạt mức 3,5% (cao hơn năm 2019 với 2,8%) chủ yếu do tác động của giá thực phẩm và áp lực chi phí liên quan tiền lương.