09:00 06/08/2019

Lenovo chuyển mình nắm bắt cuộc cách mạng số, chinh phục khách hàng

Lương Giang

Lenovo đã kết thúc một năm tài chính đầy ấn tượng với doanh thu lần đầu tiên vượt mốc 50 tỷ USD

Ông Ivan Cheung, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (TBD), đồng thời là Tổng giám đốc khu vực CAP (Central Asia Pacific).
Ông Ivan Cheung, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (TBD), đồng thời là Tổng giám đốc khu vực CAP (Central Asia Pacific).

Mặc dù thị trường máy tính PC và điện thoại di động khó khăn, cạnh tranh khốc liệt, các hãng chật vật tăng trưởng, dành thị phần nhưng Lenovo đã kết thúc một năm tài chính đầy ấn tượng với doanh thu lần đầu tiên vượt mốc 50 tỷ USD.

Không chỉ tập trung cải tiến, đổi mới sáng tạo, lấy khách hàng làm trọng tâm để tiếp tục giữ vị trí số 1 về PC, trước kỷ nguyên số, Lenovo đã và đang chuyển mình mạnh mẽ hướng tới cung cấp các thiết bị, giải pháp thông minh cho người dùng và doanh nghiệp, ông Ivan Cheung, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (TBD), đồng thời là Tổng giám đốc khu vực CAP (Central Asia Pacific) của Lenovo, chia sẻ.

Đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi thông minh với trọng tâm 3S

Mục tiêu và tầm nhìn của Lenovo trong năm tới là gì để tiếp tục giữ được thị phần, mức tăng trưởng của mảng PC, phát triển mảng điện thoại di động?

Để duy trì vị trí số 1 về PC trên toàn cầu, Lenovo sẽ tiếp tục tập trung vào hai giá trị cốt lõi là Đổi mới sáng tạo (Innovation) và Khách hàng làm trung tâm (Customer Centricity). Theo tôi, khi thế hệ trẻ dần trở thành lực lượng lao động chính trong thời hiện đại thì một trong những yếu tố quan trọng thu hút lực lượng này là các cải tiến về mặt công nghệ.

Đó là lý do vì sao đổi mới sáng tạo vẫn luôn là trọng điểm mà công ty tập trung đầu tư để mang lại những thiết bị tiên tiến nhất và phong cách nhất cho thế hệ trẻ. Một trong số những sản phẩm mới tiên phong mà chúng tôi vừa ra mắt gần đây đó chính là notebook 5G và máy tính gập ThinkPad X1 đầu tiên trên thế giới dành cho phân khúc khách hàng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, triết lý xem khách hàng là trung tâm vẫn sẽ được chú trọng trong những năm tiếp theo của công ty. Và để mang lại nhiều sự hài lòng hơn cho khách hàng, công ty sẽ tập trung cao vào cả sản phẩm lẫn dịch vụ, theo đó chúng tôi đã đầu tư rất nhiều để phát triển các trung tâm dịch vụ khách hàng cũng như có các chuyên gia dịch vụ để chăm sóc khách hàng tốt hơn.

Riêng đối với mảng điện thoại di động, chúng tôi đã cơ cấu lại phạm vi kinh doanh và tập trung vào những thị trường mang lại lợi nhuận cao, bao gồm 4 khối thị trường chính là Mỹ, Châu Mỹ La Tinh, Trung Quốc và Ấn Độ. Nhờ thế, tập đoàn đã đạt được mức lợi nhuận trước thuế là 464 triệu USD trong năm qua và bắt đầu có lãi và sau đó chúng tôi sẽ mở rộng sang một số thị trường có lựa chọn khác.

Cách mạng số, chuyển đổi số đang diễn ra với những xu thế công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data)… đang thu hút sự quan tâm của các quốc gia, doanh nghiệp. Lenovo đã chuyển mình thế nào trong việc cung cấp các sản phẩm đáp ứng nhu cầu xu thế này? Ông có thể chia sẻ rõ hơn về tầm nhìn "công nghệ thông minh cho tất cả mọi người"?

Người dùng hiện đại không chỉ có 1 thiết bị thông minh là máy tính mà còn sở hữu nhiều thiết bị thông minh khác như điện thoại, đồng hồ… Điều này cũng đồng nghĩa với việc tiềm năng của thị trường thiết bị thông minh sẽ tăng dần theo thời gian. Đặc biệt với xu hướng chuyển đổi lên mạng 5G, việc kết hợp giữa thiết bị thông minh và cơ sở hạ tầng sẽ thay đổi và có tác động đáng kể đến việc ra quyết định nhờ tận dụng các công nghệ thông minh của doanh nghiệp.

Với tầm nhìn mong muốn đem lại "công nghệ thông minh nhất cho tất cả người dùng", Lenovo đã và đang theo đuổi chiến lược "chuyển đổi thông minh" thể hiện qua 3 nhóm thông minh (3S): Smart IoT - Thiết bị thông minh dễ dàng kết nối, tương tác với các thiết bị khác, thích ứng với nhu cầu đa dạng của người dùng và tích hợp những công nghệ thông minh; Smart Infrastructure - Hạ tầng thông minh bao gồm năng lực điện toán, lưu trữ và hệ thống mạng hỗ trợ kết nối các thiết bị đầu cuối thông minh và Smart Verticals - Giải pháp ngành dọc thông minh kết nối thiết bị và hạ tầng để có thể khai thác sức mạnh của dữ liệu lớn, giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định chính xác và kịp thời.

Hiện nay, chúng tôi đang dành 1,2 tỷ USD vào nghiên cứu phát triển AI, phân tích dữ liệu lớn trong vòng 5 năm tới với mục tiêu tạo ra các thiết bị đầu cuối như máy tính bảng, điện thoại di động, màn hình cùng các thiết bị nhà thông minh, cung cấp dữ liệu cần xử lý để thấu hiểu nhu cầu người dùng.

Lenovo kỳ vọng việc đầu tư R&D cho công nghệ thông minh mới này sẽ giúp hãng có thêm nhiều thông tin, dữ liệu để phát triển nhiều giải pháp ngành dọc hơn và cung cấp giải pháp tổng thể chứ không chỉ đơn thuần là phần cứng.

Đến nay, một số thị trường lớn như Trung Quốc, Bắc Mỹ, Mỹ và Nhật Bản… đã ứng dụng các giải pháp này mang lại hiệu quả cao. Ở Trung Quốc với giải pháp siêu thị không người quản lý, khách hàng có thể chọn lựa và đặt vào giỏ hàng của mình, những thiết bị cảm biến sẽ tự động nhận biết các sản phẩm và tự động tính tiền hay việc ứng dụng camera thông minh tại chuỗi cửa hàng ở Nhật Bản thông báo cho người quản lý về các hành vi bất thường của khách hàng để kịp thời xử lý…

Việt Nam là thị trường chính mà Lenovo sẽ cân nhắc phát triển lâu dài

Các giải pháp sản phẩm thông minh cho người dùng mà ông vừa chia sẻ sẽ được triển khai, hỗ trợ như thế nào ở Việt Nam?

Chúng tôi nhận định 3 ngành gồm sản xuất, bán lẻ và chăm sóc y tế sẽ là những ngành tiềm năng hàng đầu trong nhu cầu ứng dụng các giải pháp thông minh nhất, trong đó sản xuất sẽ là ngành trọng điểm của thị trường Việt Nam. Với tiềm năng lớn của ngành sản xuất, chúng tôi đang tích cực nghiên cứu, tìm hiểu thị trường Việt Nam nhiều hơn để hiểu chính xác nhu cầu của khách hàng trước khi xác định giải pháp phù hợp mà hãng sẽ cung ứng cho khách hàng bản địa.

Song song với đó, chúng tôi cũng sẽ cần trao đổi trực tiếp với các nhà cung cấp các hệ thống tích hợp tại đây vì mỗi khách hàng sẽ có nhu cầu khác nhau và mỗi nhà tích hợp hệ thống sẽ có một khả năng khác nhau. Bằng việc tăng cường trao đổi và tìm hiểu các nhu cầu của khách hàng, chúng tôi sẽ tìm được giải pháp phù hợp nhất đối với ngành sản xuất ở Việt Nam.

Việc chuyển đổi thông minh hay cách mạng 4.0 sẽ không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn là xu hướng ở tất cả các nước khác trên thế giới. Hiện chúng tôi nhận thấy có 2 rào cản lớn tại thị trường Việt Nam: đó là khả năng xử lý dữ liệu lớn (big data) và khả năng thiết lập kế hoạch áp dụng giải pháp xử lý dữ liệu lớn.

Nếu không có chuyên gia, không có công cụ, các số liệu, thông tin về hiệu quả của việc chuyển đổi cũng như tác động tích cực đến quy mô phát triển cho doanh nghiệp sẽ không có tính thuyết phục cao dẫn đến việc không thể triển khai hoặc triển khai rất chậm. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý những vướng mắc này nhờ đội ngũ chuyên gia và hệ thống giải pháp 3S.

Việt Nam được định vị thế nào trong tầm nhìn, chiến lược phát triển của Lenovo, thưa ông? Là lãnh đạo thị trường khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ông thấy những cơ hội và thách thức tại thị trường này là gì?

Hiện tại trong khu vực, Nhật Bản là một trong các thị trường điển hình nơi Lenovo đang dẫn đầu trong chiến lược chuyển đổi thông minh với trọng tâm 3S và đây là mô hình chúng tôi sẽ nhân rộng ra các thị trường khác. Đặc biệt trong khu vực CAP bao gồm 10 quốc gia, Việt Nam là một trong những thị trường Lenovo sẽ cân nhắc phát triển lâu dài.

Đây là lý do vì sao năm nay tôi thường xuyên sang thăm Việt Nam hơn để nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường và từ đó, công ty có thể điều phối các nguồn lực sẵn có của tập đoàn để phát triển thị trường Việt Nam lên tầm cao mới.

Tuy nhiên, không chỉ riêng ở Việt Nam, thị trường PC trên toàn cầu có xu hướng chững lại, trong khi chúng tôi luôn đặt mục tiêu tăng trưởng thị phần. Để làm được điều đó, ngoài việc tập trung vào hai giá trị cốt lõi trọng tâm là khách hàng và đổi mới sáng tạo, chúng tôi luôn thôi thúc bản thân phải làm tốt hơn, khác biệt hơn nhằm chiếm lĩnh thị trường, đạt được mức tăng trưởng mong muốn.