Lo bị Mỹ trừng phạt, “đại gia” dầu lửa Pháp rút khỏi dự án 2 tỷ USD ở Iran
Tập đoàn dầu khí khổng lồ Total đang chuẩn bị rút khỏi Iran để tránh nguy cơ bị dính lệnh trừng phạt của Mỹ
Tập đoàn dầu khí khổng lồ Total của Pháp đang chuẩn bị rút khỏi Iran để tránh nguy cơ bị dính lệnh trừng phạt của Mỹ, hãng tin CNN cho hay.
Hôm thứ Tư tuần này, Total nói rằng hãng không thể tiếp tục triển khai dự án 2 tỷ USD về khai thác khí đốt ở mỏ South Pars của Iran. Tuyên bố của Total nói hãng "sẽ phải dừng tất cả các hoạt động liên quan" đến dự án này trước ngày 4/11 năm nay, trừ phi được nhà chức trách Mỹ đảm bảo sẽ miễn trừ trừng phạt liên quan đến Iran.
Trong dự án được ký kết vào cuối năm 2016, Total nhất trí vận hành dự án South Pars với cổ phần 50,1%. Đối tác của Total trong dự án này là công ty dầu khí quốc doanh CNPC của Trung Quốc và tập đoàn Petro Pars của Iran.
Quyết định rút khỏi dự án được Total đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump tuần trước tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Tehran với 6 cường quốc phương Tây. Đồng thời với việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân này, ông Trump tuyên bố sẽ áp lệnh trừng phạt trở lại đối với Iran.
Thỏa thuận hạt nhân Iran là một thành tựu chính sách đối ngoại lớn của cựu Tổng thống Barack Obama, nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran, đổi lại Tehran được phương Tây dỡ trừng phạt. Nhờ thỏa thuận này mà Iran đã đẩy mạnh xuất khẩu dầu lửa và các công ty phương Tây có thể nối lại hoạt động giao thương, đầu tư với Iran.
Đức, Pháp và Anh tuyên bố sẽ duy trì thỏa thuận với Tehran và đang bàn bạc với Iran về việc làm thế nào để bảo vệ lợi ích kinh tế mà thỏa thuận mang lại cho Iran. Tuy vậy, các công ty lớn của châu Âu không muốn dấn thân vào rủi ro bằng cách tiếp tục đầu tư và hoạt động ở Iran.
Trao đổi với hãng tin CNN mới đây, Giám đốc điều hành (CEO) Joe Kaeser của hãng thiết bị viễn thông Siemens nói rằng quyết định của ông Trump đồng nghĩa với việc Siemens không thể có thêm hoạt động kinh doanh mới nào ở Iran.
Những công ty bị phát hiện vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran có thể bị tước quyền tiếp cận với hệ thống tài chính Mỹ và trở thành đối tượng của hàng loạt biện pháp trừng phạt khác.
"Total luôn hiểu rõ rằng công ty không thể đặt mình vào nguy cơ chịu bất kỳ lệnh trừng phạt thứ cấp nào. Nếu bị trừng phạt như vậy, công ty có thể sẽ không còn được vay vốn bằng USD từ các ngân hàng Mỹ để phục vụ cho hoạt động của công ty trên toàn cầu", tuyên bố của Total viết.
Total cho biết các ngân hàng Mỹ đáp ứng 90% nhu cầu vay vốn của tập đoàn. Ngoài ra, Total cũng có nhiều hoạt động và một số lượng cổ đông đông đảo tại Mỹ.
Total cũng nói hãng mới chỉ đầu tư khoảng 47 triệu USD cho dự án South Pars.
Năm ngoái, Bộ Năng lượng Iran dự báo dự án South Pars sẽ đạt sản lượng khí đốt trị giá nhiều tỷ USD. Theo dự kiến ban đầu, nguồn khí đốt từ dự án này sẽ bắt đầu được cung cấp cho thị trường Iran từ năm 2021.
Ngoài Total, một số công ty châu Âu khác như hãng Volkswagen và tập đoàn sản xuất máy bay Airbus đã thiết lập quan hệ kinh doanh với Iran kể từ khi thỏa thuận hạt nhân 2015 được ký kết.