12:04 10/01/2020

Lo ngại về môi trường, JCCI khuyến cáo ưu tiên sức khoẻ hơn phát triển công nghiệp

Hà Vũ

Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam mong muốn Chính phủ Việt Nam đặt ra những quy định rõ ràng và được chuẩn hóa, ví dụ như "ưu tiên sức khỏe hơn phát triển công nghiệp"

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) tại Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) tại Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.

Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam mong muốn Chính phủ Việt Nam đặt ra những quy định rõ ràng và được chuẩn hóa, ví dụ như "ưu tiên sức khỏe hơn phát triển công nghiệp".

Chọn 5 vấn đề đề xuất tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên sáng 10/1, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) tại Việt Nam đã đặt bảo vệ môi trường lên đầu tiên.

Chủ tịch JCCI Nobufumi Miura nhấn mạnh, tháng 9 /2019, thành phố Hà Nội có "Chỉ số chất lượng không khí" (AQI) ở mức nguy hại nhất, theo sau là Tp.HCM ở mức cao thứ ba.

Ngày càng có nhiều lo ngại về vấn đề ô nhiễm không khí ở cả khu vực nông thôn và thành thị của Việt Nam, là kết quả của việc quá ưu tiên chú trọng phát triển kinh tế mà không quan tâm xem xét các biện pháp đối phó chống lại các tác động đến môi trường.

Sau nhận xét trên, ông Nobufumi Miura cho biết, theo ước tính, khoảng 5% GDP sẽ bị mất do ô nhiễm không khí, hậu quả của giá trị đầu tư suy giảm từ các công ty nước ngoài.

Trong bối cảnh này, theo JCCI cần thúc đẩy và thực thi các tiêu chuẩn luật pháp và quy định nhằm góp phần cải thiện chỉ số chất lượng không khí trong các không gian kín, nơi mọi người dành hầu hết thời gian trong ngày để sinh sống và làm việc nhằm giảm thiểu các nguy cơ về sức khỏe.

Theo đó, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Bản vì họ cũng từng trải qua tình cảnh tương tự, điển hình là tình trạng "các đảo bị ô nhiễm" vào những năm 1970. Bằng cách tham khảo kinh nghiệm về các quốc gia đã thành công trong quá trình công nghiệp hóa mà không gây hại tới môi trường, đồng thời thông qua hiểu biết và hỗ trợ từ các công ty nước ngoài, Việt Nam có thể có được sự tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường và trở thành một hình mẫu cho các nền kinh tế mới nổi khác, Chủ tịch JCCI phát biểu.

Từ phân tích trên, JCCI mong muốn Chính phủ Việt Nam đặt ra những quy định rõ ràng và được chuẩn hóa, ví dụ như "ưu tiên sức khỏe hơn phát triển công nghiệp".

Chủ tịch JCCI cũng cho biết, các công ty của Nhật Bản sẵn sàng sử dụng những kinh nghiệm trong quá khứ để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam cũng như các bí quyết để cải thiện môi trường.

Lo rủi ro từ môi trường pháp lý

Ổn định môi trường pháp lý và các biện pháp khuyến khích đầu tư cũng là vấn đề được các nhà đầu tư Nhật Bản nêu tại diễn đàn.

Theo JCCI, vẫn có những trường hợp mà trong đó lợi ích hợp lý của các công ty và nhà đầu tư nước ngoài không được bảo vệ trong quá trình áp dụng các quy định pháp lý.

Có những rủi ro kinh doanh mà các công ty nước ngoài không thể bỏ qua và có thể là lý do khiến họ ngần ngại đầu tư thêm. Nếu các biện pháp khuyến khích đầu tư mà chính phủ đưa ra sau đó lại bị các cơ quan thuế bác bỏ hồi tố và các điều khoản xác nhận những bác bỏ hồi tố này liên tục được đưa vào dự thảo luật đầu tư thì các biện pháp khuyến khích đầu tư sẽ không còn hiệu quả trong việc thúc đẩy và thu hút đầu tư, ông Nobufumi Miura nói.

JCCI cũng thể hiện sự quan tâm đến cơ chế hợp tác công - tư (PPP) khi tình trạng thiếu hụt điện, đường, sân bay và bệnh viện cũng đang trở thành một vấn đề ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam.

"Chúng tôi tin rằng việc tích cực triển khai các cơ chế PPP sẽ mang lại nhiều lợi ích trong việc thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng nhằm giải quyết rốt ráo các vấn đề này", đại diện JCCI nêu quan điếm.

Tuy nhiên, JCCI cho rằng, điều quan trọng là phải thiết lập cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân để đảm bảo không xảy ra những rủi ro không đáng có.