Lo tăng trưởng giảm tốc, Ấn Độ hạ lãi suất lần thứ 5 liên tiếp trong 2019
Không chỉ Ấn Độ mà nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ để ứng phó với giảm tốc tăng trưởng
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) ngày 4/10 có đợt hạ lãi suất thứ 5 liên tiếp trong năm nay nhằm kích cầu nền kinh tế và hỗ trợ hệ thống ngân hàng đang đối mặt những sức ép mới.
Theo hãng tin Bloomberg, RBI hạ lãi suất cơ bản đồng Rupee 0,25 điểm phần trăm về mức 5,15% - một động thái không nằm ngoài dự báo của đa phần giới phân tích.
Thống đốc RBI Shaktikanta Das phát biểu trong một cuộc họp báo ở Mumbai rằng Ủy ban Chính sách tiền tệ "sẽ duy trì lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng đủ lâu để phục hồi tăng trưởng đồng thời đảm bảo lạm phát nằm trong khoảng mục tiêu đề ra".
Song song với hạ lãi suất, RBI giảm dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm lần thứ tư trong năm nay, về mức 6,1% từ mức 6,9% trước đó.
Không chỉ Ấn Độ mà nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ để ứng phó với tình trạng giảm tốc tăng trưởng do tác động tai hại của cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc. Đầu tuần này, Australia có đợt hạ lãi suất lần thứ ba trong 2019. Tháng trước, Philippines và Indonesia cũng hạ lãi suất.
Quý 2 năm nay, kinh tế Ấn Độ chỉ tăng trưởng 5%, mức tăng yếu nhất trong 6 năm. Các chỉ số kinh tế được Bloomberg theo dõi cho thấy hoạt động đầu tư và tiêu dùng của Ấn Độ cùng yếu đi trong tháng 8.
Đợt giảm lãi suất này đưa lãi suất tham chiếu của Ấn Độ về mức thấp nhất trong khoảng 1 thập kỷ. Trước động thái này, Chính phủ Ấn Độ đã triển khai nhiều biện pháp tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng, bao gồm một kế hoạch giảm thuế 20 tỷ USD cho doanh nghiệp.
Trong 5 đợt hạ lãi suất từ đầu năm tới nay, RBI đã giảm lãi suất tổng cộng 1,35 điểm phần trăm. Mức giảm lớn như vậy khiến nhiều chuyên gia lo ngại RBI không còn nhiều dư địa để nới lỏng thêm.
"Tôi nghĩ họ đã hành động đủ, và bởi chính sách có độ trễ, họ nên đợi việc nới lỏng phát huy tác dụng", chuyên gia kinh tế trưởng Prakash Sakpal của ING Groep nhận xét. "Nếu không, việc nới lỏng chính sách tài khóa và bơm tiền mạnh vào nền kinh tế rốt cục có thể dẫn tới lạm phát tăng mạnh".
Ngoài nền kinh tế giảm tốc, RBI còn đang đối mặt với nhiều thách thức trong hệ thống ngân hàng, có khả năng cản trở hoạt động cho vay. Gần đây, RBI đã phải áp hạn chế rút tiền đối với một ngân hàng nhỏ và hạn chế cho vay đối với một ngân hàng khác.
Tuy nhiên, Thống đốc Das ngày 4/10 nói rằng hệ thống ngân hàng của Ấn Độ "vẫn khỏe mạnh và ổn định" và không có lý do gì để lo ngại.
RBI nâng dự báo lạm phát quý 3 năm nay lên 3,4% và cho rằng tốc độ lạm phát trung hạn sẽ dưới mục tiêu 4% - ngưỡng đã duy trì suốt 13 tháng liên tiếp.