Lợi nhuận khởi đầu cao, vì sao SHB vẫn thận trọng?
SHB tiếp tục có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận quý 1/2018 cao, nhưng chỉ tiêu cả năm khá thận trọng
Ngày 23/4, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018. Cân đối giữa các chỉ tiêu kinh doanh của SHB có điểm đáng chú ý.
Theo kế hoạch thông qua tại đại hội, năm nay SHB đặt chỉ tiêu lần đầu tiên tổng tài sản vượt mốc 300.000 tỷ đồng, với 315.494 tỷ đồng, tăng trưởng 10,31% so với năm 2017.
Vốn điều lệ kế hoạch tăng lên 13.240 tỷ đồng, tăng 18,25%. Mức tăng này bao gồm tăng vốn điều lệ từ chia cổ tức năm 2016 được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt vào quý 1/2018. Và năm 2018, SHB đặt chỉ tiêu nâng tỷ lệ cổ tức lên 10%.
Kế hoạch huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cá nhân năm 2018 là 250.617 tỷ đồng, tăng 18,82%. Số dư cấp tín dụng kế hoạch 223.822 tỷ đồng, tăng trưởng 15% (theo chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước giao, có thể linh hoạt xin điều chỉnh theo thực tế hoạt động).
Về lợi nhuận trước thuế, SHB đặt chỉ tiêu năm 2018 ở mức 2.050 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2017.
Như trên, các chỉ tiêu tổng tài sản, vốn điều lệ, huy động vốn và tín dụng đều có chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng khá, cao hơn chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận.
Trong khi đó, tại phần lớn các ngân hàng thương mại vừa tổ chức đại hội đồng cổ đông vừa qua, chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận lại thường có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với tổng tài sản, huy động vốn và tín dụng…
Đáng chú ý, tại đại hội, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, quý 1/2018 ngân hàng đã đạt 502 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Kết quả này gắn với tốc độ tăng trưởng lên tới 63,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Vậy, vì sao SHB đặt chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm nay ở mức khá khiêm tốn, với 6,5%, ứng với 2.050 tỷ đồng?
Trước hết, như trên, 2018 là năm đầu tiên SHB đặt kế hoạch đưa tổng tài sản vượt mốc 300.000 tỷ đồng, lên 315.494 tỷ đồng. Chỉ tiêu này nhằm tiếp tục duy trì vị thế trong top 5 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tại Việt Nam; trong đó, tổng tài sản gắn với yêu cầu giữ và gia tăng thị phần trên thị trường.
Với chỉ tiêu lợi nhuận, dù có tốc độ tăng trưởng cao qua quý 1/2018 so với cùng kỳ 2017 (và đây thường là quý có kết quả thấp nhất trong năm theo chu kỳ hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung), nhưng SHB xây dựng ở mức độ thận trọng, gắn với đặc thù và chiến lược năm nay.
Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê cho biết, 2018 tiếp tục là năm SHB đặt trọng tâm chủ động xử lý và ứng xử với nợ xấu. Theo đó, chính sách gia tăng nguồn lực dự phòng tiếp tục được tập trung thực hiện, để tiếp tục củng cố an toàn và bền vững trong các bước phát triển.
Hiện dư nợ xấu SHB đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) còn 8.119 tỷ đồng, đã được trích lập dự phòng theo lộ trình quy định trên cơ sở đề án nhận sáp nhập Habubank đã được Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước thông qua, mà 2018 là năm căn bản để ngân hàng dự kiến thực hiện xong.
Có một thực tế, cũng như đặc điểm tại nhiều ngân hàng thương mại khác, nợ dưới chuẩn có xu hướng tăng lên do các khoản nợ trung và dài hạn trước đây được cơ cấu, với SHB là từ Habubank, lần lượt ghi nhận thành nợ xấu.
Thêm vào đó, thực hiện cơ chế nhận diện trong Thông tư 02, một khách hàng có nợ xấu tại một tổ chức tín dụng thì các khoản nợ của doanh nghiệp đó tại các tổ chức tín dụng khác cũng buộc phải chuyển nhóm. SHB có những khách hàng dư nợ nhóm 1, nhưng do họ có nợ xấu tại ngân hàng khác và phải chuyển nhóm theo quy định.
Bên cạnh trọng tâm tiếp tục tích lũy nguồn lực ứng xử với nợ xấu, 2018 cũng là năm trọng điểm trong đầu tư, mở rộng hoạt động của SHB. Chiến lược này đòi hỏi sức nặng vốn đầu tư ban đầu và độ trễ truyền dẫn hiệu quả vào lợi nhuận.
Cụ thể, trong năm 2017 và 2018, đặc biệt sau khi xử lý cơ bản "gánh nặng" sáp nhập Habubank, năng lực tài chính nâng lên, SHB bắt đầu triển khai việc đầu tư và mở rộng loạt chi nhánh, các điểm kinh doanh mới trên cả nước. Song song là việc thiết lập loạt các điểm kinh doanh cho công ty tài chính tiêu dùng…
Kế đến, với chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ, ngân hàng số, tăng cạnh tranh ở xu hướng đang mạnh lên trong hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam, SHB tiếp tục đầu tư cũng như thuê tổ chức hàng đầu thế giới về công nghệ để tạo những bước chuyển mới, không chỉ ở hạ tầng sản phẩm và dịch vụ mà còn cấu trúc, quy trình hoạt động của toàn hệ thống.
Những kế hoạch trên cùng hướng đến mục tiêu 5 năm tới SHB sẽ gia tăng tỷ trọng thu dịch vụ từ 30-40% thu nhập, giảm thiểu lệ thuộc vào thu tín dụng.
Và theo dự tính của ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị đưa ra tại đại hội trên, ngay từ 2018 SHB sẽ bắt đầu bứt phá ở nhiều hoạt động gắn với động lực mới từ những chuẩn bị, những kế hoạch trên. Đó cũng là cơ sở để SHB phấn đấu nâng tỷ lệ cổ tức lên 14-15% những năm tới.
Ông Hiển cũng lưu ý, chỉ tiêu lợi nhuận 2018 nói trên chưa bao gồm nguồn thu từ công ty tài chính SHBFC. Công ty này đang thiết lập sự hiện diện tại tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước, dự kiến chính thức ra mắt vào tháng 7 tới, với chiến lược 5 năm tới lọt top 5 công ty tài chính tiêu dùng về dư nợ cho vay tại Việt Nam.