22:28 01/01/2019

Lợi nhuận Vietcombank bứt phá mạnh sau ba năm tái cơ cấu

Minh Đức

Kỷ lục lợi nhuận Vietcombank năm 2018 vượt xa các dự báo đưa ra trước đó

Dự kiến năm 2018 Vietcombank tiếp tục giữ vị trí số 1 hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam về lợi nhuận với một quy mô khó có thành viên khác bám sát.
Dự kiến năm 2018 Vietcombank tiếp tục giữ vị trí số 1 hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam về lợi nhuận với một quy mô khó có thành viên khác bám sát.

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa chốt kết quả kinh doanh cơ bản năm 2018 với kỷ lục lợi nhuận bứt phá ấn tượng, gấp gần ba lần so với trước thời điểm triển khai đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020.

Báo cáo sơ bộ cho thấy, kết thúc năm 2018, Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế lên tới hơn 18.000 tỷ đồng, tăng trưởng trên 60% so với năm 2017 và gần gấp ba lần so với quy mô lợi nhuận năm 2015 - năm ngân hàng này bắt đầu chuyển sang giai đoạn tái cơ cấu.

Quy mô lợi nhuận hơn 18.000 tỷ đồng nói trên cũng vượt xa các dự báo từ 15.000 - 16.000 tỷ đồng mà một số tổ chức đầu tư đưa ra trong năm 2018.

Điểm đáng chú ý, kỷ lục lợi nhuận này của Vietcombank đặt trên nền tăng trưởng tổng tài sản và tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với những năm trước, cũng như từ một ngân hàng thương mại có chính sách lãi suất cho vay thuộc nhóm thấp nhất trên thị trường.

Cụ thể, kết thúc năm 2018, tổng tài sản của Vietcombank chỉ tăng thêm hơn 4%; tăng trưởng tín dụng thậm chí không dùng hết chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước cho phép, chỉ tăng 14,9%.

Nhưng trong tốc độ tăng trưởng tín dụng đó, một trong những đóng góp lớn cho lợi nhuận là sự gia tăng của tín dụng bán lẻ (khách hàng thể nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa), với 34,1%, đưa tỷ trọng dư nợ bán lẻ từ mức 40% của năm trước lên mức 46% vào cuối năm 2018.

Nâng tỷ trọng dư nợ bán lẻ cũng là một trong ba trọng tâm của chiến lược xoay trục kinh doanh mà Vietcombank triển khai trong đề án tái cơ cấu từ năm 2016 đến nay (bên cạnh trục đầu tư và phát triển dịch vụ).

Chiến lược xoay trục đó cũng cho kết quả thể hiện rõ trong năm 2018, khi lợi nhuận đã không còn dựa quá nhiều vào cho vay, mà tiếp tục gia tăng tỷ trọng từ phi tín dụng.

Kết thúc năm 2018, Vietcombank là một trong số ít ngân hàng thương mại Việt Nam tạo được sự dịch chuyển cơ cấu thu mạnh sang phi tín dụng, với tỷ trọng trên 40%.

Trong phi tín dụng có hoạt động đầu tư. Năm 2018 cũng đánh dấu loạt kế hoạch thoái vốn thành công của Vietcombank tại một số tổ chức tín dụng. Hoạt động này ước tính đóng góp khoảng 2.000 tỷ đồng vào lãi, nhưng quan trọng hơn là ngân hàng đã đảm bảo tuân thủ đầy đủ các giới hạn sở hữu trong đầu tư theo quy định tại Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước.

Như trên, lợi nhuận năm 2018 của Vietcombank đã bứt phá mạnh để đạt gần gấp ba lần quy mô của năm 2015 - năm bắt đầu bước vào giai đoạn tái cơ cấu 2016 - 2020.

Trong ba năm thực hiện đề án tái cơ cấu, một trong những điểm được chú ý tại ngân hàng này là các bước xử lý nợ xấu quyết liệt, với chính sách trích lập dự dự phòng rủi ro triệt để.

Ngay trong năm đầu tiên triển khai đề án, năm 2016, Vietcombank trở thành ngân hàng thương mại đầu tiên mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC. Những năm sau đó, đây là trường hợp có tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu cao nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Tính đến cuối 2018, tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu tại đây đã lên tới 165%; số dư quỹ dự phòng đạt tới 10.215 tỷ đồng, trong khi tổng dư nợ xấu 6.180 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu đến cuối 2018 của Vietcombank tiếp tục giảm xuống chỉ còn 0,97%, là ngân hàng thương mại đầu tiên của Việt Nam đưa tỷ lệ nợ xấu thực chất xuống dưới mốc 1%, được phân loại theo các chuẩn mực quốc tế. 

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ nhóm 2 của ngân hàng này cũng giảm mạnh từ 0,9% năm 2017 xuống còn 0,5%.

Kết quả xử lý nợ xấu và kiểm soát chất lượng tín dụng sau ba năm triển khai đề án tái cơ cấu một mặt tạo điều kiện để Vietcombank nhẹ bước bứt phá lợi nhuận, mặt khác tạo chuyển biến về chất lượng tài chính và bảng cân đối để trở thành ngân hàng thương mại đầu tiên của Việt Nam áp dụng thành công các chuẩn mực Basel 2 trong năm 2018, sớm trước thời hạn một năm.

Đó cũng là một trong những điều kiện để Vietcombank trở thành ngân hàng thương mại đầu tiên của Việt Nam vượt rào thành công, qua thẩm định và phê duyệt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), để triển khai kế hoạch mở văn phòng đại diện tại Mỹ, với hồ sơ đã được duyệt trong năm 2018.

2018 cũng là năm Vietcombank kỷ niệm 55 năm ngày thành lập. Tại lễ kỷ niệm ngày 31/3/2018, Tổng bí thư, Thủ tướng và Thống đốc đã cùng nhấn mạnh mục tiêu Vietcombank trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam.

Với kết quả đạt được, năm 2018 Vietcombank tiếp tục giữ vị trí số 1 về lợi nhuận với một quy mô khó có thành viên khác bám sát. 

Và dự kiến, ngân hàng này cũng sẽ trở thành thành viên có quy mô vốn chủ sở hữu số 1 hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, với khoản thặng dư lớn từ kế hoạch bán vốn nhiều khả năng sẽ hoàn tất ngay đầu năm 2019.