Lợi thế của Việt Nam trong thu hút FDI
Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua thu hút vốn đầu tư so với các nước trong khu vực
Chính sách đổi mới về kinh tế - xã hội từ đầu những năm 80 đến nay đã giúp Việt Nam từ một nước có thu nhập thấp trở thành một nước có thu nhập trung bình, chính trị ổn định và có quan hệ giao thương với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Những đổi thay này đã giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, tạo ra nhiều lợi thế trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tăng trưởng nhanh và ổn định
Việt Nam nằm ở khu vực Đông Nam Á, một trong những khu vực tế phát triển và năng động nhất thế giới hiện nay. Đặc biệt, với hơn 3.000 km bờ biển và nằm ngay cửa ngõ của khu vực, Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc xây dựng và phát triển các cảng nước sâu và như giao thương toàn cầu.
Khí hậu nhiệt đới với hai miền khí hậu khác nhau và các mùa rõ rệt cũng cho Việt Nam nhiều lợi thế trong việc phát triển nông nghiệp, và trở thành một nguồn cung cấp nông-lâm-thủy hải sản tương đối trọng điểm cho khu vực và thế giới.
Sau hơn 30 năm đổi mới và áp dụng nền kinh tế theo định hướng thị trường, Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn. Kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao so với bình quân của thế giới và khu vực.
Mặc dù liên tục phải đối mặt với những bất ổn và thách thức khi kinh tế thế giới trải qua giai đoạn suy thoái khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trên 6%/năm. Chính phủ Việt Nam tự tin đặt ra mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035, và tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn sắp tới là 7%.
Tốc độ tăng trưởng cao và ổn định qua nhiều năm luôn là một điểm hấp dẫn các nhà đầu tư, đồng thời giúp Việt Nam nâng cao vị thế cạnh tranh trong cuộc đua thu hút vốn đầu tư so với các nước khác trong khu vực.
Bên cạnh các thành tựu về kinh tế, Việt Nam cũng rất thành công trong việc duy trì sự ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác. Tỷ lệ lạm phát những năm gần đây được kiểm soát tốt ở mức dưới 5%. Tỷ giá ngoại hối luôn được duy trì ở mức ổn định, không có những biến động bất thường ảnh hưởng đến kinh tế. Tăng trưởng tín dụng cũng được kiểm soát chặt chẽ.
Sự gia tăng nhanh của tầng lớp trung lưu trong những năm qua cũng là một điểm quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ngành tiêu dùng và bán lẻ, vì họ là lực lượng tiêu dùng hùng hậu có trình độ và nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây cũng là động lực chính trong việc biến thị trường tiêu dùng nội địa Việt Nam thành một trong những thị trường hấp dẫn nhất hiện nay.
Dân số Việt Nam đến nay đã gần tới cột mốc 100 triệu dân, đứng thứ 14 trên thế giới, với khoảng 60% trong độ tuổi dưới 35. Đây là nguồn lao động trẻ, khỏe, năng động, có tiềm năng và khả năng tiếp thu kiến thức tiên tiến để đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế tri thức, đặc biệt khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ.
Tuy nhiên, chi phí nhân công ở Việt Nam vẫn còn khá thấp so với các nước có mức thu nhập tương tự, nên sẽ tiếp tục là môt lợi thế cạnh tranh không nhỏ của Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là trong sản xuất hàng tiêu dùng và các hàng hóa cần sử dụng nhiều sức lao động.
Việc Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách kinh tế theo định hướng thị trường, và tăng cường hội nhập với thế giới, sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận với thị trường thế giới.
Việt Nam đã ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, như Hiệp định Thương mại song phương với Mỹ, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (hiệu lực vào năm 2018), trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC),... và đang tiếp tục tham gia đàm phán trong nhiều thỏa thuận thương mại khác.
Điều này khẳng định vai trò và vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trong kinh tế toàn cầu, cũng như thể hiện quyết tâm hội nhập và tuân thủ luật chơi trong thương trường quốc tế.
Thị trường có tính cạnh tranh cao
Để đạt được những thành quả về kinh tế và chính trị như đã nêu ở trên, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: tính minh bạch trong kinh doanh vẫn còn ở mức thấp, thủ tục hành chính vẫn còn gây mất nhiều thời gian và khó khăn cho các nhà đầu tư,…
Vai trò của Chính phủ trong việc phát huy các lợi thế của Việt Nam và vượt qua các thách thức là vô cùng quan trọng. Ngoài việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ nhiệm kỳ hiện tại đã thể hiện quyết tâm trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được kinh doanh trong một môi trường bình đẳng, và cạnh tranh lành mạnh.
Chính phủ đã có chủ trương và triển khai hành động quyết liệt thông qua các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhiều chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính - ngân hàng.
Ngoài việc tiếp tục triển khai các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu một số ngành hàng, miễn giảm tiền thuê và sử dụng đất,… Chính phủ cũng cam kết tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Các báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến thực hiện nghĩa vụ thuế. Cụ thể, Bộ Công Thương gần đây đã cắt giảm và đơn giản hóa 675 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ này.
Tóm lại, mặc dù còn nhiều thách thức và khó khăn, Việt Nam vẫn được đánh giá là một thị trường có tính cạnh tranh cao, với sự ổn định về an ninh xã hội và sự tăng trưởng hấp dẫn.
Tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam trong hai năm vừa qua cũng hết sức ấn tượng, mặc dù thế giới có nhiều diễn biến không thuận lợi.
Năm 2016, vốn FDI đăng ký đạt khoảng 27 tỷ USD và vốn đầu tư thực hiện đạt 15,8 tỷ USD, đều tăng khoảng 11% so với năm trước. 9 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã thu hút được hơn 25 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp. Những con số ấn tượng này minh chứng cho sức thu hút của Việt Nam đối với giới đầu tư trong quá khứ, hiện tại, cũng như tương lai.
Bên cạnh đó, sự có mặt của những đơn vị kiểm toán - tư vấn có độ tin cậy cao, kinh nghiệm hoạt động trên toàn cầu, và am hiểu thị trường nội địa sẽ giúp các nhà đầu tư tự tin khi quyết định đầu tư và hoạt động ở Việt Nam, vì họ có khả năng trợ giúp các nhà đầu tư nước ngoài tuân thủ đúng các yêu cầu, quy định tại Việt Nam, tiến tới tận dụng được tối đa những lợi ích mà các ưu đãi của Chính phủ đem lại.
* Tác giả bài viết là Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam