10:23 09/11/2018

Luật hoá quy định công chức không uống rượu bia trong ngày làm việc

Nguyễn Lê

Năm 2017, chi phí của người dân Việt Nam cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình Quốc hội dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình Quốc hội dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.

Sáng 9/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình Quốc hội dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.

Thuyết minh về sự cần thiết, tờ trình của Chính phủ nêu rất nhiều con số cho thấy sự lạm dụng rượu bia của Việt Nam và những tác hại đối với nhiều mặt của xã hội.

Chi phí 4 gần tỷ USD/năm

Theo đánh giá của Chính phủ, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh nên cần được kiểm soát để giảm mức tiêu thụ.

Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao và tỷ lệ này ở cả hai giới đều đang gia tăng. Năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu, bia trong 30 ngày qua thì đến năm 2015  tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới, Bộ trưởng Tiến cho biết.

Tờ trình cũng nêu rõ, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 Châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc.

Về tác hại, tờ trình nêu rõ, thống kê hằng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực có liên quan đến sử dụng rượu, bia. Khoảng gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia. Phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi trước 30 chiếm tới 70%.

Chi tiêu cho rượu, bia chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng chi tiêu của hộ nghèo và là nguyên nhân làm cho tình trạng nghèo đói tăng thêm. Theo thống kê của WHO, phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3% -3,3% GDP của mỗi quốc gia, trong đó chi phí gián tiếp thường nhiều hơn gấp 2 lần so với chi phí trực tiếp. Số liệu từ Đức - nước tiêu thụ rượu, bia đứng thứ 9 trên toàn cầu cho thấy, thiệt hại do rượu, bia gây ra hằng năm khoảng 20 tỷ Euro (trong khi doanh thu từ sản xuất rượu, bia là 17 tỷ Euro và số nộp ngân sách là 3,5 tỷ Euro).

Tại Việt Nam, nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65 nghìn tỷ đồng. Ước tính tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã là 25.789 tỷ đồng chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017; chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017). Năm 2017, chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỷ USD.

Giảm tiêu thụ, tăng kiểm soát 

Gồm 7 chương và 38 điều, dự thảo luật luật tập trung quy định các biện pháp, cách thức cụ thể để phòng ngừa, hạn chế và giảm thiểu các tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe và các hệ lụy xã hội khác trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu, bia. Như quy định các hành vi bị nghiêm cấm, kiểm soát điều kiện kinh doanh, bảo đảm chất lượng, an toàn; đối tượng, địa điểm, phương thức không được bán rượu, bia kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức..

Theo dự luật, các trường hợp không được sử dụng rượu, bia, bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa các ca trong ngày làm việc, uống rượu, bia tại một số địa điểm. Đây là các nhóm đối tượng mà việc sử dụng rượu, bia không chỉ tác động đến bản thân người đó mà còn có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến người khác và cộng đồng, chất lượng lao động và nghiêm trọng hơn đó là ảnh hưởng đến thế hệ tương lai của đất nước, Chính phủ thuyết minh.

Bộ trưởng Tiến cũng cho biết, ngoài việc kế thừa quy định về cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, dự thảo luật bổ sung biện pháp kiểm soát quảng cáo đối với rượu, bia dưới 15 độ để bảo đảm quan điểm nhất quán của luật là quản lý toàn diện đối với rượu, bia, khắc phục khoảng trống của pháp luật hiện hành đối với bia. Nhưng, theo Bộ trưởng thì có phân chia mức độ kiểm soát khác nhau tương ứng với nồng độ cồn trong sản phẩm (dưới 5.5 độ, từ 5.5 đến dưới 15 độ). Dự thảo cũng có các quy định để phòng ngừa trẻ em, học sinh, sinh viên tiếp cận sớm với rượu, bia, hạn chế việc thúc đẩy sử dụng rượu, bia. 

Quy định về kiểm soát đối với quảng cáo rượu, bia trong dự thảo luật thuộc mức độ trung bình so với hơn 100 quốc gia khác trên thế giới, Bộ trưởng cho biết.

Về các biện pháp quản lý việc cung cấp, dự thảo tiếp tục duy trì, kế thừa các biện pháp quản lý điều kiện, cấp phép đối với kinh doanh rượu (bao gồm cả sản xuất rượu thủ công vì mục đích kinh doanh). Sản phẩm bia không phải cấp phép mà quản lý theo điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.

Điều 20. Địa điểm, đối tượng, phương thức không được bán rượu, bia

1. Địa điểm không được bán rượu, bia bao gồm:

a) Cơ sở y tế;

b) Cơ sở giáo dục;

c) Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người dưới 18 tuổi;

d) Nơi làm việc của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trừ nơi làm việc là địa điểm bán rượu, bia;

đ) Trường giáo dưỡng, trại giam, trại tạm giam.

2. Không được bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi.

3. Không được bán rượu, bia trên mạng internet.

4. Không được bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.