Luật Quy hoạch đã được thông qua
Đây là đạo luật đã không được thông qua tại kỳ họp thứ ba của Quốc hội như kế hoạch ban đầu, vì còn quá nhiều vấn đề gây tranh cãi
433/455 đại biểu có mặt đồng ý, Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua sáng 24/11.
Đây là đạo luật đã không được thông qua tại kỳ họp thứ ba của Quốc hội như kế hoạch ban đầu, vì còn quá nhiều vấn đề gây tranh cãi.
Trước khi đại biểu bấm nút, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo, tiếp thu giải trình những vấn đề còn quan điểm khác nhau.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung "quy hoạch vùng trời", "quy hoạch không gian ngầm dưới lòng đất" vào hệ thống quy hoạch.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Luật Biên giới quốc gia đã khẳng định biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các khái niệm quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia đều được định nghĩa theo hướng là việc phân vùng và liên kết vùng, chia sẻ sử dụng không gian mang tính chiến lược và thống nhất, trong đó có không gian biển, không gian mặt đất, không gian ngầm dưới đất, không gian trong lòng biển, không gian đáy biển, không gian dưới đáy biển và không gian vùng trời của lãnh thổ quốc gia.
Riêng đối với vùng trời ở một độ cao nhất định còn chịu sự điều chỉnh của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin không bổ sung thêm quy hoạch vùng trời và quy hoạch không gian ngầm dưới lòng đất vì đã được bao hàm trong các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.
Quy định về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trong luật Quy hoạch cũng là vấn đề được tranh luận dai dẳng trong quá trình thảo luận.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, khoản 5 điều 5 của dự thảo Luật Quy hoạch quy định quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn là loại quy hoạch độc lập trong hệ thống quy hoạch quốc gia, không giống các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác, và chịu sự điều chỉnh của Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng.
Để đảm bảo tính hệ thống, toàn diện của Luật Quy hoạch, khoản 4 điều 6 quy định quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Điều 28 về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn quy định nội dung, việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng. Việc công bố, công khai quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch, pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng.
Để thực hiện Luật Quy hoạch thì cần sửa đổi bao nhiêu luật khác và cần bao nhiêu thời gian để sửa cũng là vấn đề được nhiều vị đại biểu rất quan tâm.
Báo cáo giải trình cho biết, có 8 luật được sửa đổi, bổ sung ngay tại điều 57 của dự thảo Luật Quy hoạch với các quy định có nội dung đơn giản về kỹ thuật, không ảnh hưởng đến kết cấu của các luật đang điều chỉnh hoạt động quy hoạch, gồm: Luật Công nghệ thông tin, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thú y, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Khám, chữa bệnh.
Ngoài ra, có 25 bộ luật và luật cần sửa đổi, bổ sung được giao Chính phủ rà soát, sửa đổi theo hướng dùng 1 luật sửa nhiều luật và kiến nghị Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.