16:13 11/06/2018

Lương sếp SCIC phụ thuộc vào mốc 2.900 tỷ đồng lợi nhuận

Đào Vũ

Mức tiền lương của quản lý chuyên trách tại SCIC được xác định gắn với bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, nộp ngân sách theo quy định, năng suất lao động và khung lợi nhuận

Là đơn vị được xếp hạng công ty "đặc biệt", năm 2017, SCIC chi gần 92 tỷ đồng trả lương cho 234 người lao động.
Là đơn vị được xếp hạng công ty "đặc biệt", năm 2017, SCIC chi gần 92 tỷ đồng trả lương cho 234 người lao động.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa đưa ra dự thảo hướng dẫn quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Theo đó, mức tiền lương bình quân kế hoạch tính theo tháng của người quản lý chuyên trách tại SCIC được xác định gắn với bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, nộp ngân sách theo quy định, năng suất lao động và khung lợi nhuận.

Trường hợp 1, lợi nhuận kế hoạch của SCIC đạt 2.900 tỷ đồng thì mức tiền lương bình quân kế hoạch tính theo lợi nhuận được tính bằng mức lương cơ bản được xác định trên cơ sở bình quân mức lương cơ bản của người quản lý chuyên trách tương ứng với hạng công ty theo Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Nghị định số 52/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Trường hợp 2, lợi nhuận kế hoạch thấp hơn 2.900 tỷ đồng thì mức tiền lương bình quân kế hoạch xác định trên cơ sở mức lương cơ bản và giảm trừ theo nguyên tắc: cứ 1% lợi nhuận kế hoạch thấp hơn so với 2.900 tỷ đồng, thì giảm trừ 0,5% mức lương cơ bản, nhưng thấp nhất bằng 1,2 lần mức tiền lương bình quân chế độ.

Trường hợp 3, lợi nhuận kế hoạch của SCIC cao hơn 2.900 tỷ đồng thì mức tiền lương tính theo lợi nhuận được xác định trên cơ sở mức lương cơ bản và hệ số điều chỉnh tăng thêm so với mức lương cơ bản (gọi tắt là Hln) gắn với quy mô lợi nhuận như sau:

Nếu lợi nhuận kế hoạch cao hơn 2.900 tỷ đồng đến dưới 3.900 tỷ đồng thì Hln tối đa bằng 0,5 lần mức lương cơ bản.

Nếu lợi nhuận kế hoạch từ 3.900 tỷ đồng đến dưới 5.000 tỷ đồng thì Hln tối đa bằn 0,7 lần mức lương cơ bản.

Nếu lợi nhuận kế hoạch từ 5.000 tỷ đồng trở lên thì Hln tối đa bằng 1,0 lần mức lương cơ bản.

Trong trường hợp năng suất lao động bình quân kế hoạch của SCIC giảm so với thực hiện của năm trước liền kề, sau khi xác định mức tiền lương bình quân kế hoạch theo lợi nhuận nêu trên, phải giảm trừ tiền lương theo nguyên tắc: cứ giảm 1% năng suất lao động bình quân kế hoạch so với thực hiện của năm trước liền kề thì giảm trừ 0,5% mức tiền lương bình quân kế hoạch.

Trường hợp 4, SCIC không có lợi nhuận thì căn cứ kế hoạch sản xuất, kinh doanh so với thực hiện của năm trước liền kề, mức tiền lương bình quân kế hoạch được xác định thấp nhất bằng mức tiền lương bình quân theo chế độ và cao nhất không vượt quá 1,2 lần so với mức tiền lương bình quân chế độ.

Trường hợp 5, SCIC lỗ (sau khi loại trừ ảnh hưởng của yếu tố khách quan nếu có) thì mức tiền lương bình quân kế hoạch được xác định bằng mức tiền lương bình quân chế độ. Giảm lỗ so với thực hiện của năm trước thì SCIC căn cứ vào mức độ giảm lỗ để xác định tiền lương của người quản lý, bảo đảm tương quan chung và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định.

Khung lợi nhuận quy định trong các trường hợp trên sẽ được xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của quá trình thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp, bán vốn nhà nước và đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ.

Khi xác định quỹ tiền lương, thù lao kế hoạch, quỹ tiền lương, thù lao thì SCIC được loại trừ yếu tố khách quan ảnh hưởng đến năng suất lao động và lợi nhuận theo quy định tại.

Được biết, nhiều năm trở lại đây, lợi nhuận sau thuế của SCIC thường xuyên trên 5.000 tỷ đồng. Năm 2018, SCIC đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 5.436 tỷ đồng.