19:53 05/04/2019

Lý do nào khiến Hàn Quốc không cấm thiết bị 5G của Huawei?

An Huy

Hàn Quốc ngày 5/4 đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới triển khai mạng viễn thông thế hệ tiếp theo (5G) trên toàn quốc

Tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh (smartphone) đạt 95% ở Hàn Quốc là cao hơn ở bất kỳ quốc gia phát triển nào khác - Ảnh: Bloomberg/SCMP.
Tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh (smartphone) đạt 95% ở Hàn Quốc là cao hơn ở bất kỳ quốc gia phát triển nào khác - Ảnh: Bloomberg/SCMP.

Hàn Quốc ngày 5/4 đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới triển khai mạng viễn thông thế hệ tiếp theo (5G) trên toàn quốc. Một trong ba nhà mạng Hàn Quốc đang sử dụng thiết bị 5G của Huawei, bất chấp những cáo buộc gián điệp mà Mỹ nhằm vào công ty Trung Quốc này - tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho hay.

Không giống như một số đồng minh khác của Mỹ, Hàn Quốc đến nay chưa đưa ra hạn chế nào đối với thiết bị 5G của Huawei. Phát triển mạng 5G là một phần trong chiến lược của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhằm đưa nền kinh tế khỏi tình trạng tăng trưởng ì ạch hiện nay và thúc đẩy sáng tạo trong những lĩnh vực từ thành phố thông minh đến xe không người lái.

Mong muốn xích lại gần Trung Quốc

LG Uplus, nhà mạng nhỏ nhất trong số 3 mạng viễn thông của Hàn Quốc, đã chọn sử dụng thiết bị trạm gốc và bộ truyền tín hiệu của Huawei cho mạng 5G của mình. Trước đó, nhà mạng này đã dùng thiết bị Huawei cho mạng 4G.

Trong khi đó, nhà mạng viễn thông lớn nhất và lớn thứ nhì Hàn Quốc là SK và KT chọn thiết bị của Samsung, Ericsson và Nokia cho mạng 5G. Lý do mà các nhà mạng này đưa ra nằm ở vấn đề chi phí và kỹ thuật, thay vì vấn đề an ninh.

"Mong muốn của Tổng thống Moon Jae-in, một người theo đuổi chính sách xích lại gần Trung Quốc, về tiếp tục trao đổi với Trung Quốc có thể được xem như một nhân tố trong việc các nhà mạng Hàn Quốc giữ mối quan hệ với Huawei bất chấp sự phản đối của Mỹ", ông Kim Jong-ha, một chuyên gia về an ninh thuộc Đại học Hannam, nhận định.

Trong số 5 nước thành viên của liên minh tình báo "5 mắt" (Five Eyes), đến nay đã có ba nước là Mỹ, Australia và New Zealand đưa ra lệnh cấm tạm thời hoặc vĩnh viễn đối với thiết bị 5G của Huawei với lý do lo ngại về an ninh. Một số nước đồng minh khác của Mỹ như Anh và Đức tuy chưa đưa ra lệnh cấm nhưng tuyên bố sẽ gia tăng giám sát đối với Huawei.

Hàn Quốc là đồng minh thân cận của Mỹ ở khu vực châu Á, với khoảng 28.500 lính Mỹ đồn trú ở nước này. Trong khi đó, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, chiếm hơn 1/4 kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Ông Cho Mu-hyun, một nhà phân tích công nghệ ở Seoul, cho rằng Hàn Quốc muốn tránh rủi ro bị Trung Quốc trả đũa kinh tế nếu "cấm cửa" Huawei.

Ký ức về vụ việc THAAD vẫn còn

Mấy năm trước, khi cho phép Mỹ triển khai lá chắn tên lửa THAAD, Hàn Quốc đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của Trung Quốc, tiếp đó là một làn sóng "tẩy chay" hàng hóa Hàn Quốc tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

"Ký ức về vụ việc THAAD vẫn còn lơ lửng. Bất kỳ mâu thuẫn nào với Trung Quốc cũng có nguy cơ dẫn tới một sự trả đũa kinh tế mà Hàn Quốc không mong muốn", ông Cho nói.

Vào năm 2017, ở thời điểm đỉnh cao của mâu thuẫn về THAAD, lượng du khách Trung Quốc thăm Hàn Quốc sụt 48%, còn 4,16 triệu lượt. Trong vòng 9 tháng đầu tiên của năm đó, nền kinh tế Hàn Quốc ước tính chịu thiệt hại 6,8 tỷ USD vì mâu thuẫn với Trung Quốc, theo Văn phòng Ngân sách thuộc Quốc hội Hàn Quốc.

Sau đó, ông Moon đã thực hiện một loạt nỗ lực ngoại giao nhằm "phá băng" quan hệ với Trung Quốc. Trong 10 tháng đầu tiên của năm 2018, lượng du khách Trung Quốc thăm Hàn Quốc đã tăng 12%, nhưng chưa thể hồi phục mức đỉnh cũ.

Việc Hàn Quốc triển khai mạng 5G đến người tiêu dùng trên toàn quốc từ ngày 5/4 đưa nước này dẫn trước Mỹ và Trung Quốc trong cuộc đua 5G trên toàn cầu. Trung Quốc dự kiến thương mại hóa dịch vụ 5G vào năm tới, và có thể phủ sóng toàn quốc dịch vụ này sớm nhất vào năm 2023.

Mỹ đã đưa mạng 5G tới một số khu vực đô thị, nhưng việc triển khai toàn quốc được cho là sẽ mất nhiều năm nữa mới đạt được do cần phải xây dựng thêm nhiều hạ tầng. Nhật Bản dự định sẽ bắt đầu triển khai 5G trong năm nay, nhưng chỉ ở mức độ giới hạn cho tới khi Thế vận hội Tokyo diễn ra vào tháng 7 năm sau.

Hàn Quốc từ lâu luôn tự hào với vị thế đi đầu thế giới về sáng kiến công nghệ. Nước này có tốc độ mạng Internet nhanh nhất thế giới. Ngoài ra, tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh (smartphone) đạt 95% ở Hàn Quốc là cao hơn ở bất kỳ quốc gia phát triển nào khác.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc diễn ra khá chậm chạp trong những năm gần đây. Năm nay, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Hàn Quốc dự kiến chỉ tăng 2,6%, mức tăng thấp nhất 6 năm.