M&A ngân hàng ngóng chờ tín hiệu mới
Việc tăng trần sở hữu tại các ngân hàng thương mại vẫn chưa được thực hiện là rào cản lớn nhất
Hiện nay M&A trong lĩnh vực ngân hàng đang theo xu thế tìm kiếm đối tác chiến lược. Tuy nhiên, xu thế này cũng đang khá nghẽn khi gặp rào cản nhất là về tỷ lệ sở hữu.
Chờ đợi thương vụ sáp nhập HDBank - PGBank
Đề xuất sáp nhập giữa HDBank và PGBank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về mặt nguyên tắc vào tháng 9/2018 tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có phê duyệt chính thức. Trong khi chờ Ngân hàng Nhà ước, HDB vẫn đang hỗ trợ PGBank trong việc quản lý chung và xử lý các khoản nợ xấu.
Đối với HDB, năm nay nhà băng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao (24%), tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Triển vọng năm nay còn phụ thuộc vào hạn mức tín dụng và tiến độ thương vụ sáp nhập với PG Bank.
Tại đại hội đồng cổ đông vừa qua, lãnh đạo HDBank cho biết, dự kiến cuối năm nay, việc sáp nhập sẽ được hoàn thành, tuy vậy ngân hàng này đã đi trước đón đầu bằng việc triển khai gói ưu đãi về lãi suất và phí dịch vụ cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Petrolimex và PV Oil.
Nóng lòng tìm cổ đông chiến lược
Trong nửa đầu năm 2019, mới chỉ duy nhất BIDV có thông tin về việc bán vốn cho cổ đông ngoại. Cụ thể, ngày 21/2/2019, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ cho BIDV từ 34.187 lên 40.220 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank. Trong năm nay, ngân hàng này sẽ thực hiện nốt các thủ tục để hoàn tất phát hành và tăng vốn.
Trong khi đó, SHB cho biết thời gian qua Hội đồng quản trị đã làm việc với nhiều tổ chức tài chính, kinh tế nước ngoài để tìm kiếm cổ đông chiến lược phù hợp cho ngân hàng, xác định phải là những tập đoàn tài chính cam kết đầu tư dài hạn vào SHB để cùng quản trị và phát triển ngân hàng. Hiện nhà băng này vẫn đang tiếp tục đàm phán với các đối tác phù hợp với chiến lược của ngân hàng.
MBB mới đây cũng báo cáo trình cổ đông thông qua việc tìm kiếm, triển khai các cơ hội sáp nhập/hợp nhất (nếu có) phù hợp với chiến lược của MB, chủ trương của Nhà nước về tái cơ cấu tổ chức tín dụng và đảm bảo quyền lợi của cổ đông.
Phương án phát hành của MB đưa ra nhằm tăng thêm 4.236 tỷ đồng đưa vốn điều lệ lên mức 25.840 tỷ đồng, trong đó đợt 2 sẽ thực hiện phát hành riêng lẻ cổ phần mới cho các đối tác trong và ngoài nước, khoảng 10% vốn điều lệ, tiêu chuẩn điều kiện lựa chọn và danh sách đối tượng chào bán cụ thể do Hội đồng quản trị quyết định. Nếu được chấp thuận, đợt phát hành này sẽ thực hiện trong quý 3-4/2019.
Cũng liên quan tới việc tìm kiếm đối tác chiến lược, tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của OCB, ngoài kế hoạch phát hành trả cổ tức, ngân hàng này cũng lên phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ (gần 118,5 triệu cổ phiếu) cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực tài chính và muốn đồng hành cùng OCB.
Lãnh đạo OCB cho biết, ngân hàng còn room bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài, ngân hàng đang kêu gọi cổ đông chiến lược để gia tăng năng lực tài chính. Tuy nhiên, sau cú sốc của nhiều nhà đầu tư khi đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng năm 2018 nên một số ngân hàng sẽ gặp bất lợi khi chào giá cho nhà đầu tư nước ngoài.
Do đó, OCB chưa hoàn thành kế hoạch đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài, sau khi có nhà đầu tư sẽ tiến hành niêm yết cổ phiếu. Lãnh đạo ngân hàng này cũng cho biết việc đàm phán đã có lịch trình cụ thể, sẽ cố gắng hoàn tất trong quý 3 và kỳ vọng đưa cổ phiếu ngân hàng lên sàn vào quý 3 hoặc quý 4 năm nay.
Trao đổi với VnEconomy, ông Trần Đình Dũng - Trưởng phòng Tư vấn tài chính và bảo lãnh phát hành Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), cho biết, những năm trước M&A ngân hàng đa số liên quan đến việc sắp xếp và cơ cấu lại hệ thống, tuy nhiên đến nay xu thế này đã không còn mà chỉ còn hoạt động sáp nhập tự nguyện mà HDBank - PG Bank là một trường hợp điển hình đang thực hiện.
Hiện nay M&A trong lĩnh vực này đang theo xu thế tìm kiếm đối tác chiến lược với việc bán khoảng 15-20% vốn là hợp lý. Tuy nhiên xu thế này cũng đang khá nghẽn khi gặp rào cản về tỷ lệ sở hữu.
Ông Dũng cho biết, các đối tác vào trong giai đoạn đầu có thể làm chiến lược nhưng về dài hạn đều mong muốn nâng tỷ lệ sở hữu lên. Do đó, việc tăng trần sở hữu tại các ngân hàng thương mại vẫn chưa được thực hiện là rào cản lớn nhất.