"Một đồng của Nhà nước cũng cần phải được kiểm toán"
Cần làm rõ đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, bổ sung các đơn vị được kiểm toán và phạm vi kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước
Cho ý kiến tại hội thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước 2015, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Văn phòng Chính phủ Đinh Dũng Sỹ cho rằng, cần làm rõ đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, cần thiết phải bổ sung các đơn vị được kiểm toán và phạm vi kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước bảo đảm bao quát hết đối tượng kiểm toán theo Hiến pháp, nhất là lĩnh vực kiểm toán thuế, lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường, công nghệ thông tin, đơn vị được hỗ trợ ngân sách Nhà nước.
Không nên có quan điểm năng lực của Kiểm toán đến đâu làm đến đó, mà chúng ta cần kiểm toán đến đâu thì phạm vi hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đến đó. Có những phạm vi đưa vào Luật có thể chưa thực hiện được ngay nhưng sẽ có tác dụng răn đe.
Mở rộng đối tượng cần kiểm toán
Bàn về nội dung này, PGS.TS Đăng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam khẳng định, không chỉ những tổ chức, cá nhân thu nhập, tập trung, phân bổ, hay sử dụng tài chính Nhà nước, tài sản công mới là đối tượng của kiểm toán mà tất cả các cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ với việc tập trung và huy động nguồn lực cho tài chính công, tài sản công đều là đối tượng của Kiểm toán Nhà nước. Chẳng hạn như người nộp thuế, phí, người có nghĩa vụ thanh toán, chi trả hàng hóa, dịch vụ công...
"Việc quản lý tài chính công, tài sản công" không chỉ được đánh giá ở khâu tổ chức thực hiện, mà quan trọng hơn là kiểm toán ngay từ khâu ban hành chính sách, phương thức huy động, khai thác và tập trung nguồn lực cho nhà nước.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành Kiểm cho rằng, Kiểm toán Nhà nước cần thiết thực hiện việc kiểm toán thu ngân sách (thu thuế) chứ không chỉ thực hiện đối chiếu thuế như hiện nay. Trên thực tế, dù có lực lượng thanh tra thuế nhưng đây là thanh tra chuyên ngành nên liệu có đảm bảo khách quan, có bao quát hết các hoạt động thu thuế.
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai ủng hộ quan điểm đã được một số tham luận đưa ra – "Một đồng của Nhà nước cũng cần phải được kiểm toán", nhất là đối với Hà Nội, đối tượng quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công rất rộng, đặc biệt có rất nhiều doanh nghiệp nắm giữ nhiều tài sản của Nhà nước.
Trong khi đó, dù đồng tình với quan điểm mở rộng hoạt động kiểm toán, song Tiến sỹ Tạ Ngọc Hải - Phó Vụ trưởng Viện Khoa học tổ chức Nhà nước, Bộ Nội Vụ lưu ý, việc mở rộng phạm vi hoạt động liên quan đến thay đổi, bổ sung tổ chức, bộ máy cần lưu ý không làm phình bộ máy, nhân sự, nhất là trong bối cảnh tinh giảm biên chế hiện nay.
Chưa có quy định về chế tài xử lý vi phạm
Cũng tại hội thảo, Phó tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, Luật Kiểm toán Nhà nước hiện hành chưa có quy định về chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật Kiểm toán Nhà nước của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan được đánh giá là nguyên nhân lớn khiến cho tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán thời gian qua chưa đạt như kỳ vọng.
Ông Vinh dẫn số liệu, năm 2017 có 121 trường hợp không cung cấp tài liệu dẫn tới các Đoàn kiểm toán không thể thực hiện kiểm toán được nội dung theo kế hoạch; nhiều trường hợp chậm cung cấp tài liệu theo yêu cầu.
Trong thực tế theo dõi tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán cho thấy số kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước không được các đơn vị thực hiện còn cao (năm 2015 có 35,7% kiến nghị về tài chính tương ứng số tiền 8.179 tỷ đồng; năm 2016 có 24,4% kiến nghị về tài chính tương ứng số tiền 5.097 tỷ đồng chưa được các đơn vị thực hiện)…làm thất thu ngân sách Nhà nước, giảm hiệu quả hoạt động kiểm toán và tính nghiêm minh của pháp luật.
Theo Phó tổng Thanh Tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, việc chưa có quy định rõ ràng về xử lý vi phạm phạm pháp luật Kiểm toán Nhà nước khiến cho hiệu lực của các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước bị hạn chế nhiều. Biện pháp chủ yếu hiện nay Kiểm toán Nhà nước áp dụng là đôn đốc, nhắc nhở.
Còn ông Đinh Dũng Sỹ cho rằng, cần nghiên cứu để bổ sung những quy định cụ thể về các hành vi vi phạm và các chế tài đối với các hành vi vi phạm trong quá trình, quy trình thực hiện hoạt động kiểm toán. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm không nên giao cho Kiểm toán Nhà nước mà dành cho cơ quan có thẩm quyền…