Mua ròng lớn, nhà đầu tư ngoại vẫn “ôm” 23,6 nghìn tỷ đồng chờ giải ngân
Dòng vốn gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục vào ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Theo số liệu cập nhật từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổng giá trị vào ròng của nhà đầu tư nước ngoài tính đến 16/10 đạt 2,97 tỷ USD, đã vượt số vào ròng của cả năm 2017 (2,92 tỷ USD) và cũng tăng hơn so với con số 2,89 tỷ USD vừa cập nhật hôm 9/10.
Nếu so sánh với tình hình dòng vốn rút mạnh khỏi các thị trường mới nổi thời gian gần đây thì con số 2,97 tỷ USD vào ròng thị trường Việt Nam trong 9 tháng rưỡi qua được đánh giá là khá tích cực.
Thống kê từ Ủy ban Chứng khoán cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng từ 7 thị trường châu Á gồm: Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Đài Loan, Malaysia với tổng giá trị hơn 27,34 tỷ USD. Trong đó, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất vào tháng 9, nhà đầu tư nước ngoài đã lien tục rút ròng khá mạnh từ các thị trường này với giá trị 3,9tỷ USD.
Tính đến ngày 16/10/2018, giá trị danh mục đầu tư của nước ngoài đạt 35 tỷ USD, giảm 2,3 tỷ USD so với cuối tháng 9 mà nguyên nhân chủ yếu là do giảm giá mấy ngày gần đây. Nhưng nếu so với mức 32,8 tỷ USD của cuối năm 2017 thì giá trị danh mục của khối ngoại tại thời điểm hiện nay đang tăng.
Trong đó đáng chú ý, số dư tiền mặt trên tài khoản nhà nhà đầu tư nước ngoài vẫn ở mức cao, đạt khoảng 1 tỷ USD (tương đương 23,6 nghìn tỷ VND), sẵn sàng chờ giải ngân.
Trước đó, số liệu cập nhật ngày 9/10 cho thấy, số dư tiền mặt trên tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài ở mức cao: 25,2 nghìn tỷ đồng và giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 36,3 tỷ USD, tăng 0,6 tỷ USD so với mức 35,7 tỷ USD tại này 26/6, khi thị trường có những biến động mạnh.
Tại chương trình đối thoại chính thức đầu tiên The Hanoi Dialogue giữa lãnh đạo các cơ quan quản lý bao gồm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán, trung tâm lưu ký chứng khoán với các quỹ đầu tư là các định chế tài chính hàng đầu trên thế giới và trong khu vực về dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) diễn ra cuối tuần qua, các đại biểu tham dự đã trao đổi, tranh luận rất thẳng thắn nhằm làm sáng tỏ nhiều điểm trong Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) liên quan tới nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cũng đưa ra nhiều đề xuất có giá trị giúp Cơ quan soạn thảo có thể chỉnh sửa và hoàn thiện trước khi trình Chính phủ và Quốc hội.
Đặc biệt, đại diện cấp cao thuộc Hiệp hội Các tổ chức giao dịch chứng khoán Châu Á (Asian Traders Forum - ATF), một trong những tổ chức uy tín hàng đầu với các thành viên là các Quỹ đầu tư lớn của thế giới như Fidelity, T. Rowe Price, First State, J.P Morgan…và đại diện các Quỹ đầu tư lớn tại Vietnam như Dragon Capital, KIMC, Miare asset, Vincapital,... với tổng tài sản quản lý lên tới hơn 3.000 tỷ USD, bày tỏ quan điểm: Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi là một bước tiến quan trọng, có một số điểm đột phá như định nghĩa nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tỷ lệ sở hữu nước ngoài... sẽ góp phần tạo ra khung hành lang pháp lý phù hợp, tiên tiến góp phần thúc đẩy, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lên tầm cao mới trong lộ trình nâng hạng thị trường.
Sau hơn 10 năm thi hành, Luật Chứng khoán đã có những tác động tích cực đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trần Văn Dũng, đến nay Luật Chứng khoán đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với sự phát triển không ngừng của thị trường chứng khoán và yêu cầu của nhà đầu tư, dẫn đến vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật.
Việc sửa đổi toàn diện, ban hành Luật Chứng khoán mới là hết sức cần thiết, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, đảm bảo tính công khai, minh bạch, tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế nhằm phát triển thị trường chứng khoán ổn định, vững chắc.