11:42 07/12/2019

Mức chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng ngày càng được thu hẹp

Nguyên Minh

Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dịch chuyển theo hướng hỗ trợ tăng trưởng rõ nét hơn

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam của SSI đánh giá các chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã dịch chuyển theo hướng hỗ trợ tăng trưởng rõ nét hơn.

Cụ thể, sau tín hiệu dừng hạ lãi suất của FED, làn sóng nới lỏng tiền tệ trên thế giới cũng có vẻ chững lại trong tháng 11, chỉ ghi nhận 10 ngân hàng trung ương giảm lãi suất trong tháng vừa qua trong đó có Trung Quốc, Thái Lan, Mexico; bằng một nửa so với số lượng ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất hàng tháng giai đoạn tháng 8-10/2019.

Tuy nhiên, xu hướng giảm lãi suất trở lên rõ nét hơn ở Việt Nam với các động thái mạnh mẽ từ Ngân hàng Nhà nước, hướng tới mục tiêu giảm ít nhất 0,5%/năm lãi suất cho vay trong năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu trước Quốc hội. Cụ thể, ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 103.176 tỷ đồng trên thị trường mở; giảm lãi suất mua kỳ hạn (OMO) từ 4,5%/năm xuống 4%/năm - bước giảm lớn nhất (50bps) trong 5 năm trở lại đây, là lần giảm thứ 2 trong năm nay; tái khởi động lại kênh OMO sau gần 3 tháng không giao dịch; trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn và cho vay lĩnh vực ưu tiên đồng loạt hạ xuống thấp hơn 0,5%/năm so với mức cũ.

Lãi suất VND trên liên ngân hàng đi ngang ở mức thấp quanh 2%/năm trong nửa đầu tháng 11 nhưng bất ngờ tăng mạnh lên quanh 4%/năm với kỳ hạn qua đêm trong 2 tuần cuối tháng khi nguồn cung tiền đồng từ các ngân hàng thương mại lớn sụt giảm. 

Tháng 11 là tháng có hiệu lực đầu tiên của Thông tư 58/2019/TT-BTC về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước, theo đó tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước sẽ được quản lý tập trung về tài khoản của Kho bạc Nhà nước ở Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước thay vì để tại các ngân hàng thương mại.

Số dư tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước tại 4 ngân hàng thương mại lớn là khoảng 250.000 tỷ đồng (theo báo cáo tài chính quý 3/2019). Trong đó chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn và các ngân hàng thương mại cũng đã chủ động cơ cấu lại kỳ hạn để giảm thiểu ảnh hưởng của Thông tư 58, như Vietcombank giảm số dư tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước từ hơn 31 nghìn tỷ đồng vào cuối 2018 xuống còn 5.332 tỷ đồng vào 30/9/2019, BIDV cũng giảm từ gần 19 nghìn tỷ đồng xuống 4.642 tỷ đồng vào 30/9/2019. 

Ảnh chụp Màn hình 2019-12-07 lúc 11

Biểu đồ: SSI

Bởi vậy, thực chất việc áp dụng thông tư mới có làm sụt giảm số dư tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại nhưng tác động không lớn. Biến động thanh khoản một phần đến từ việc quay vòng các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại. 

Sau một thời gian có hiệu lực của Thông tư 58, cơ chế vận hành nhuần nhuyễn hơn cùng sự điều hành tập trung từ Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thiểu tác động từ biến động dòng tiền của Kho bạc Nhà nước đến thanh khoản và thị trường liên ngân hàng.

Thông thường lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng sẽ dao động trong một hành lang từ lãi suất tín phiếu đến lãi suất OMO, hiện tại là 2,25% đến 4,0%/năm. Trong tháng cao điểm cuối năm, nhiều khả năng lãi suất liên ngân hàng sẽ duy trì ở ngưỡng cao, tức là quanh 4%/năm và giảm trở lại sau Tết nguyên đán.

Ngoại trừ 4 ngân hàng thương mại nhà nước và một vài ngân hàng thương mại lớn, lãi suất huy động các kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng của hầu hết các ngân hàng thương mại trong những tháng gần đây đều đang ở mức 5,5%/năm nên khi trần lãi suất huy động giảm, một loạt các ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh giảm lãi suất ở kỳ hạn này về mức 5%/năm kể từ ngày 19/11/2019. 

Điểm đáng chú ý là các kỳ hạn dài hơn cũng đã bắt đầu giảm, rõ rệt nhất là ở nhóm các ngân hàng thương mại có thị phần nhỏ (giảm 20-30bps), thu hẹp mức chênh lệch lãi suất với nhóm các ngân hàng thương mại lớn. Lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng dao động trong khoảng 4,1-5,0%/năm, từ 6 đến dưới 12 tháng trong khoảng 5,5-7,5%/năm và từ 12-13 tháng là 6,4-7,9%/năm.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết 9 tháng 2019, mặc dù tăng trưởng tín dụng 9,4% thấp hơn so với cùng kỳ 2018 (10,33%) nhưng tổng phương tiện thanh toán (cung tiền M2) đã đạt 10,08 triệu tỷ đồng, tăng 9,47%, cao hơn khá nhiều mức tăng 9,04% của cùng kỳ 2018 nhờ các giao dịch mua vào ngoại tệ. 

Bên cạnh việc thể hiện quan điểm hỗ trợ tăng trưởng rõ ràng hơn, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 22/2019/TT-NHNN về tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và Thông tư 18/2019/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. 

Việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng tổng thể cùng với lộ trình siết chặt các quy định an toàn về vốn và tín dụng cho thấy quan điểm điều hành thận trọng của Ngân hàng Nhà nước. Giảm lãi suất vẫn đang được cân đối với kiểm soát lạm phát, tỷ giá và sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng.

Trong tháng 12, cung cầu ngoại tệ vẫn thuận lợi nhưng do lạm phát nên lãi suất thị trường 1 sẽ khó giảm. Tuy nhiên, sang năm 2020, với dự báo lạm phát sẽ hạ nhiệt nhanh sau Tết Nguyên đán, lãi suất huy động có thể tiếp tục được định hướng giảm tiếp 0,5%-1% từ đó kéo giảm lãi suất cho vay. Các kỳ hạn dài trên 12 tháng sẽ giảm chậm hơn do các quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và vẫn có sự phân hóa lãi suất giữa các nhóm ngân hàng thương mại lớn và nhỏ.

Theo quy định tại Thông tư 22, giới hạn tỷ lệ cấp tín dụng so với huy động (LDR) của các ngân hàng thương mại sẽ được thống nhất ở mức 85% thay vì áp dụng mức 90% với các ngân hàng thương mại nhà nước, 80% với ngân hàng thương mại tư nhân và nước ngoài. Tại 30/9/2019, LDR của nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước đang là 91,47% và của các ngân hàng thương mại cổ phần đang là 84,6%. 

Với quy định mới này, các ngân hàng thương mại nhà nước vốn dĩ có nguồn vốn dồi dào nhưng đầu ra tín dụng sẽ bị hạn chế hơn do các quy định về an toàn vốn và tỷ lệ LDR. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần còn dư địa để gia tăng tín dụng, do đó có thể sẽ chấp nhận mức lãi suất huy động cao hơn.