11:18 19/12/2017

Mỹ bác dự thảo nghị quyết của Liên hiệp quốc về Jerusalem

An Huy

Với quyền phủ quyết của mình, Mỹ đã bác bỏ dự thảo nghị quyết kêu gọi rút lại quyết định của Tổng thống Donald Trump về Jerusalem

Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley giơ tay phủ quyết dư thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an về Jerusalem ngày 18/12 - Ảnh: Reuters.
Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley giơ tay phủ quyết dư thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an về Jerusalem ngày 18/12 - Ảnh: Reuters.

Mỹ ngày 18/12 đã đi ngược lại lời kêu gọi của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về rút lại quyết định của Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel - một quyết định khiến cộng đồng quốc tế tranh cãi trong những ngày qua.

Theo hãng tin Reuters, 14 quốc gia còn lại của Hội đồng Bảo an đã bỏ phiếu thuận đối với một dự thảo nghị quyết do Ai Cập khởi xướng. Dự thảo này không trực tiếp đề cập đến nước Mỹ hay ông Trump, nhưng bày tỏ "rất lấy làm tiếc về những quyết định gần đây liên quan đến địa vị của Jerusalem".

"Những gì mà chúng tôi chứng kiến ở đây, tại Hội đồng Bảo an, là một sự xúc phạm. Điều này sẽ không bao giờ bị quên lãng", đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley nói sau cuộc bỏ phiếu, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là lá phiếu phủ quyết đầu tiên của Mỹ sau 6 năm.

"Lá phiếu phủ quyết này được thực thi nhằm bảo vệ chủ quyền của nước Mỹ và vai trò của Mỹ trong tiến trình hòa bình ở Trung Đông. Sự thật đó không hề khiến chúng tôi phải bối rối, mà những người phải bối rối chính là những thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an", bà Haley phát biểu.

Dự thảo nghị quyết của Liên hiệp quốc nói rằng "bất kỳ quyết định và hành động nào nhằm mục đích thay đổi đặc điểm, địa vị, hành thành phần dân số của thánh địa Jerusalem đều không có hiệu lực pháp lý và phải bị hủy bỏ theo các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an". Dự thảo nghị quyết cũng kêu gọi các quốc gia không thành lập các cơ sở ngoại giao tại Jerusalem.

Đầu tháng này, Tổng thống Trump đã đảo ngược chính sách đã kéo dài nhiều thập kỷ của Mỹ bằng cách công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và tuyên bố kế hoạch chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem. Động thái này đã khiến Palestine và thế giới Arab nổi giận, đồng thời gây lo ngại trong hàng ngũ các đồng minh của Washington.

"Sau quyết định của Mỹ, tình hình đã trở nên căng thẳng hơn, với các vụ va chạm gia tăng, chủ yếu là rocket phóng từ Dải Gaza, và các vụ đụng độ giữa người Palestine và lực lượng an ninh Israel", đặc phái viên về hòa bình tại Trung Đông của Liên hiệp quốc, ông Nickolay Mladenov, phát biểu trước Hội đồng Bảo an ngày 18/12 trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu.

Địa vị của Jerusalem - nơi có những địa điểm là thánh địa của người Hồi giáo, Do Thái và Thiên chúa giáo - vốn là một trong những trở ngại lớn nhất đối với nỗ lực nhằm đạt một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine.

Israel coi Jerusalem là thủ đô vĩnh cửu và không thể chia cắt của nước này và muốn tất cả các đại sứ quán nước ngoài tại Israel phải được đặt ở đó. Về phần mình, người Palestine muốn thủ đô nhà nước độc lập của họ phải được đặt ở khu vực phía đông của Jerusalem, khu vực bị Israel chiếm giữ vào năm 1967 trong cuộc chiến tranh Trung Đông và sáp nhập vào Israel - một động thái chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế công nhận.

Trong một đoạn video đăng trên trang Facebook cá nhân, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cảm ơn đại sứ Haley và ông Trump về lá phiếu phủ quyết đối với dự thảo nghị quyết về Jerusalem.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ai Cập nói các nước Arab sẽ gặp để đánh giá tình hình và xác định bước đi tiếp theo.

Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki nói nước này muốn triệu tập một cuộc gặp khẩn cấp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hiệp quốc gồm 193 thành viên về quyết định của ông Trump.

Kể từ khi Liên hiệp quốc ra đời đến nay, mới có 10 cuộc họp như vậy được triệu tập, lần gần đây nhất là vào năm 2009 và về vấn đề hành động của Israel tại các khu vực lãnh thổ bị chiếm đóng của người Palestine. Bất kỳ kết quả nào của một cuộc họp như vậy cũng không có ý nghĩa ràng buộc, nhưng có sức nặng chính trị nhất định.