Mỹ đang tìm cách dẫn độ Giám đốc Huawei bị bắt ở Canada
Nếu bị dẫn độ về Mỹ, bà Meng có thể đối mặt với các cáo buộc về âm mưu lừa đảo, với hình phạt tối đa 30 năm tù mỗi cáo buộc
Cơ quan công tố của Mỹ đang tìm cách dẫn độ bà Meng Wanzhou, Giám đốc tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei, người bị bắt hôm 1/12 ở Canada theo đề nghị của Chính phủ Mỹ.
Theo hãng tin Reuters, một khi bị dẫn độ về Mỹ, bà Meng sẽ phải đối mặt với cáo buộc của Washington cho rằng bà che giấu mối quan hệ với một công ty bán thiết bị cho Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ.
Bà Meng, 46 tuổi, cũng là Phó chủ tịch Huawei và là con gái của nhà sáng lập tập đoàn này, ông Nhiệm Chính Phi. Huawei là tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và bị Mỹ cáo buộc có mối quan hệ với Chính phủ Trung Quốc.
Vụ bắt giữ bà Meng đã gây chấn động thị trường chứng khoán toàn cầu vì thổi bùng nỗi lo rằng động thái này sẽ đẩy leo thang mạnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Vụ bắt giữ này nằm trong cuộc điều tra của Mỹ về nghi án Huawei vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Ngày 7/12, tòa án ở Vancouver, Canada đã tiến hành phiên điều trần về việc bảo lãnh tại ngoại cho bà Meng.
Theo tài liệu của tòa, cuộc điều tra trên của Mỹ bắt nguồn từ một bài báo vào năm 2013 của hãng tin Reuters nói rằng Huawei sử dụng công ty có tên Skycom Tech có trụ sở ở Hồng Kông để thực hiện các phi vụ kinh doanh ở Iran, bất chấp lệnh cấm của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Huawei đến nay vẫn phủ nhận những cáo buộc đó.
Mỹ hiện có 60 ngày để đưa ra đề nghị chính thức về việc dẫn độ bà Meng từ Canada về Mỹ. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Canada sẽ là người ra quyết định cuối cùng về việc có dẫn độ nữ doanh nhân Trung Quốc này hay không.
Nếu bị dẫn độ về Mỹ, bà Meng có thể đối mặt với các cáo buộc về âm mưu lừa đảo nhiều định chế tài chính, với hình phạt tối đa 30 năm tù giam đối với mỗi cáo buộc.
Cơ quan công tố Mỹ phản đối cho bà Meng được tại ngoại, cho rằng việc đó sẽ tạo điều kiện cho bà bỏ trốn. Trong khi đó, luật sư của bà Meng, ông David Martin, nói rằng vị thế cao của bà Meng khiến bà khó có thể phá vỡ các yêu cầu của tòa án.
"Các ngài có thể tin tưởng bà ấy", ông Martin nói. "Nếu bà ấy bỏ trốn, thì hành động đó sẽ đồng nghĩa với việc làm mất mặt người cha mà bà ấy yêu kính".
Cuộc điều tra của Mỹ đối với Huawei liên quan đến Skycom Tech, công ty có một văn phòng ở Iran. Trước đây, Huawei từng gọi Skycom là một trong những "đối tác địa phương lớn" ở Iran.
Hồi năm 2013, Reuters nói rằng Skycom Tech có quan hệ mật thiết với Huawei và bà Meng và đã tìm cách bán các thiết bị máy tính HP cho nhà mạng di động lớn nhất Iran.
Năm 2007, một công ty quản lý trực thuộc Huawei đã nắm toàn bộ cổ phiếu của Skycom. Vào thời điểm đó, bà Meng còn là thư ký của công ty quản lý. Bà cũng từng có tên trong Hội đồng Quản trị Skycom từ tháng 2/2008-4/2009.
Trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang nói cả Canada và Mỹ đều chưa hề cung cấp cho Bắc Kinh bất kỳ bằng chứng nào cho thấy bà Meng phạm pháp ở hai nước này, đồng thời nhắc lại yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc về trả tự do cho bà Meng.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ trích vụ bắt giữ, cáo buộc Mỹ tìm cách "bóp nghẹt" Huawei và ngăn cản sự phát triển toàn cầu của công ty này.