13:32 26/11/2019

Mỹ, Đức lời qua tiếng lại vì Huawei

An Huy

Vấn đề Huawei đang là một nguồn gây căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Đức

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) trong một cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) trong một cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Đại sứ Mỹ tại Đức ngày 25/11 nói rằng việc một Bộ trưởng Đức so sánh Mỹ với Trung Quốc về rủi ro nghe lén là một "sự xúc phạm" đối với các binh sỹ Mỹ đang đồn trú ở Đức.

Theo hãng tin Bloomberg, đại sứ Richard Grenell, một người trung thành với ông Trump, đã đẩy căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ với Đức - vốn là hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - lên một cấp độ mới. Những phát biểu của ông Grenell có thể làm trầm trọng thêm cuộc tranh cãi quanh việc hãng thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc tham gia phát triển mạng 5G ở Đức.

"Những gì mà một số quan chức cấp cao của Đức nói gần đây, rằng Mỹ cũng giống như Trung Quốc, là một sự xúc phạm đối với hàng nghìn binh sỹ Mỹ đang giúp nước Đức bảo vệ an ninh", ông Grenell nói trong một tuyên bố ngày 25/11.

Ông Grenell không nói đích danh quan chức nào của Đức, nhưng tuyên bố trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Peter Altmaier bảo vệ quyết định của Chính phủ nước này không áp lệnh cấm đối với Huawei. Ông Altmaier nói rằng Berlin không hề tẩy chay các công ty Mỹ sau khi có những cáo buộc nghe lén liên quan đến Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ vào năm 2013.

"Nước Mỹ cũng yêu cầu các công ty của họ phải cung cấp một số thông tin nhất định cần thiết cho việc chống khủng bố", ông Altmaier nói trong một chương trình truyền hình của đài ARD về vấn đề Trung Quốc có đang tin hay không.

Bên cạnh vấn đề thương mại, ngân sách quốc phòng và khí đốt Nga, vai trò của Huawei trong mạng 5G của Đức cũng là một nguồn làm gia tăng căng thẳng giữa Berlin với Washington.

Giới chức Mỹ từ lâu cho rằng thiết bị của Huawei có thể có "cửa sau" nhằm phục vụ cho hoạt động nghe lén của Trung Quốc - một cáo buộc mà Huawei luôn phủ nhận. Mỹ đã vận động các nước đồng minh, trong đó có Đức, "cấm cửa" Huawei.

Tuyên bố của đại sứ Grenell nói nhiều về mối quan hệ Mỹ-Đức sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và sự hiện diện của quân Mỹ ở Đức. Hiện có 50.000 binh sỹ Mỹ đồn trú ở Đức theo thỏa thuận liên minh quân sự giữa hai bên.

"Chẳng có sự tương đồng nào giữa Trung Quốc và Mỹ, và ai nói về điều này thì đó cũng là sự phớt lờ lịch sử", ông Grenell nói.

Ông Altmaier nói luật an ninh mạng của Đức nhằm đảm bảo rằng phần mềm và thiết bị được sử dụng cho mạng di động của nước này là an toàn. Các công ty viễn thông nên đứng ra chọn lựa nhà cung cấp thiết bị cho mạng lưới của quốc gia, chứ không phải là Chính phủ Đức đứng ra chọn - ông Altmaier nói.

"Sự lựa chọn phải chứng minh rõ ràng được rằng không có ảnh hưởng của Chính phủ Trung Quốc, và mỗi linh kiện đều phải được kiểm chứng để đảm bảo không có bất kỳ sự thao túng nào", ông Altmaier nói trong chương trình truyền hình. "Quy trình này dĩ nhiên cũng áp dụng với cả các nhà cung cấp châu Âu và Mỹ".