09:33 16/01/2020

Mỹ-Trung hứa hẹn gì trong thỏa thuận thương mại vừa ký?

An Huy

“Cùng nhau, chúng ta đang khắc phục những sai lầm trong quá khứ”, ông Trump nói tại lễ ký thỏa thuận

Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước tại Nhà Trắng ngày 15/1/2020 - Ảnh: Reuters.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước tại Nhà Trắng ngày 15/1/2020 - Ảnh: Reuters.

Mỹ và Trung Quốc ngày 15/1 đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nhằm xuống thang thương chiến song phương kéo dài gần 2 năm qua. Tuy nhiên, một số nhà phân tích nghi ngờ liệu nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm "chỉnh đốn" quan hệ kinh tế giữa hai nước có thể tiến xa hơn.

Theo hãng tin Bloomberg, trong thỏa thuận này, Trung Quốc cam kết sẽ triển khai thêm biện pháp bảo vệ công nghệ và bí quyết kinh doanh của các công ty Mỹ tại Trung Quốc. Cùng với đó, Trung Quốc sẽ mua thêm 200 tỷ USD nông sản, hàng hóa khác và dịch vụ của Mỹ trong hai năm, từ mức cơ sở 186 tỷ USD trong 2017 để giảm bớt thặng dư thương mại với Mỹ.

Ngoài ra, Trung Quốc còn hứa sẽ không có hành vi thao túng tỷ giá để giành lợi thế về thương mại. Thỏa thuận cũng bao gồm một cơ chế thực thi để đảm bảo những lời hứa đưa ra được thực hiện đầy đủ.

"Hòa bình" lập lại

Lễ ký diễn ra tại phòng East Room của Nhà Trắng, với sự tham gia của ông Trump, hàng chục lãnh đạo doanh nghiệp và nghị sỹ Mỹ, cùng các quan chức cấp cao đến từ Trung Quốc. Buổi lễ đánh dấu một khoảnh khắc thân thiện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sau gần 2 năm thương chiến căng thẳng.

"Đây là một dịp rất quan trọng và đáng nhớ", ông Trump nói. "Cùng nhau, chúng ta đang khắc phục những sai lầm trong quá khứ".

Trong một lá thư gửi ông Trump được đọc tại lễ ký, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 là một bằng chứng cho thấy Bắc Kinh và Washington có thể cùng nhau tạo ra cầu nối giữa những khác biệt. Ông Tập cũng viết rằng thỏa thuận này "tốt cho Trung Quốc, cho Mỹ và toàn thể thế giới".

Với thỏa thuận này, "hòa bình" coi như đã được lập lại giữa Mỹ và Trung Quốc sau gần 2 năm căng thẳng. Thỏa thuận quy định hai bên nối lại các cuộc đối thoại kinh tế mà các chính quyền Mỹ tiền nhiệm từng có với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, thỏa thuận cũng bị chỉ trích vì một số điểm mà giới phân tích cho là thiếu sót. Chẳng hạn, thỏa thuận không giải quyết vấn đề hacker nghi do Trung Quốc hậu thuẫn tấn công mạng máy tính của các doanh nghiệp Mỹ và cơ quan chính phủ Trung Quốc. Bên cạnh đó, thỏa thuận cũng chưa bao gồm vấn đề trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc.

Chính quyền ông Trump vẫn nói rằng những nội dung này sẽ được giải quyết trong thỏa thuận giai đoạn 2.

"Ngay khi thỏa thuận này bắt đầu được thực thi, chúng tôi sẽ bắt đầu đàm phán giai đoạn 2", ông Trump nói. "Tôi sẽ nhất trí dỡ hết thuế quan nếu chúng tôi đạt thỏa thuận giai đoạn 2".

Các bên nói gì?

Trước khi lễ ký bắt đầu, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói với báo giới rằng trước mắt Chính phủ Mỹ sẽ tập trung vào việc thực thi thỏa thuận giai đoạn 1, và việc thực thi thỏa thuận này có thể bắt đầu ngay trong quý 1/2020. Tiếp đó, Mỹ mới tính đến đàm phán giai đoạn 2.

Các tổ chức doanh nghiệp Mỹ nhìn chung hoan nghênh thỏa thuận, nhưng cũng kêu gọi hai bên sớm đàm phán giai đoạn 2 để tiến tới dỡ thuế quan. Hội đồng Thương mại Mỹ (AmCham) nói rằng doanh nghiệp Mỹ muốn đàm phán Mỹ-Trung giai đoạn 2 diễn ra "sớm nhất có thể".

Phe Dân chủ trong Quốc hội Mỹ chỉ trích thỏa thuận, cho rằng ông Trump đã chấp nhận một thỏa thuận hời hợt và làm mất đi đòn bẩy trong những vẫn đề quan trọng hơn trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, bao gồm vấn đề Trung Quốc trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc lạc quan thận trọng về thỏa thuận, bày tỏ lo ngại rằng thỏa thuận có thể đổ vỡ. "Nhiều người vẫn lo rằng liệu thỏa thuận đạt được vào thời điểm quan hệ chiến lược Trung-Mỹ đang đi xuống có thể thực sự phát huy tác dụng", tờ Thời báo Hoàn cầu viết.

Thỏa thuận vừa ký cũng không đề cập đến vấn đề Huawei, hãng công nghệ Trung Quốc đang bị Mỹ trừng phạt. Trong lá thư ông Tập gửi ông Trump được Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đọc tại buổi lễ, ông Tập bày tỏ hy vọng "phía Mỹ sẽ đối xử công bằng với các công ty Trung Quốc".