15:56 27/07/2018

Mỹ-Trung kịch liệt khẩu chiến ở WTO

An Huy

Đại sứ Trung Quốc tại WTO Trương Hướng Thần nói rằng những phát biểu của Đại sứ Mỹ Shea "khiến bầu không khí có mùi thuốc súng"

Đại sứ Trung Quốc tại WTO Trương Hướng Thần (trái) và người đồng cấp Mỹ Dennis Shea trước cuộc họp WTO tại Geneva, Thụy Sỹ, ngày 26/7 - Ảnh: Reuters.
Đại sứ Trung Quốc tại WTO Trương Hướng Thần (trái) và người đồng cấp Mỹ Dennis Shea trước cuộc họp WTO tại Geneva, Thụy Sỹ, ngày 26/7 - Ảnh: Reuters.

Đại sứ Mỹ và Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 26/7 đã đưa ra những đánh giá trái ngược căn bản về mô hình kinh tế của Bắc Kinh. Trong khi đại sứ Mỹ gọi Trung Quốc là "nền kinh tế bảo hộ nhất thế giới", đại sứ Trung Quốc coi nước mình là câu chuyện tăng trưởng mang lại lợi ích cho tất cả mọi quốc gia.

Cuộc khẩu chiến trên diễn ra giữa lúc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở trong một cuộc chiến tranh thương mại đầy căng thẳng, trong đó hai bên lần lượt áp thuế lên hàng chục tỷ USD hàng hóa của nhau.

Theo tin từ Reuters, đại sứ Mỹ Dennis Shea đã đưa ra trước WTO một báo cáo mang tựa đề "Mô hình kinh tế gây gián đoạn thương mại của Trung Quốc".

"Cho dù Trung Quốc luôn phác họa hình ảnh của họ là một người bảo vệ vững vàng của tự do thương mại và hệ thống thương mại toàn cầu, Trung Quốc thực chất là nền kinh tế bảo hộ và vụ lợi nhất thế giới", ông Shea nói.

Bên cạnh áp thuế lên hàng hóa của nhau, Mỹ và Trung Quốc còn đang cố gắng thuyết phục WTO tin những gì mình nói: Washington nói Bắc Kinh lừa dối vì nền kinh tế Trung Quốc không phải do các lực lượng thị trường mà do nhà nước chi phối; Bắc Kinh thì nói mình đã tuân thủ đúng các nguyên tắc được nhất trí khi gia nhập WTO vào năm 2001.

Ông Shea cho rằng những thiệt hại bây ra bởi mô hình kinh tế nhà nước của Trung Quốc đối với thương mại và đầu tư "không thể được bỏ qua thêm nữa", và Trung Quốc không hề tuân thủ đầy đủ các quy định của WTO.

Theo vị đại sứ Mỹ, các doanh nghiệp quốc doanh đóng một vai trò to lớn trong nền kinh tế Trung Quốc, và Chính phủ Trung Quốc nắm quyền kiểm soát các công ty này thông qua việc bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao của các công ty và nắm vai trò quyết định đối với các yếu tố đầu vào quan trọng như đất đai và vốn.

"Đối với Trung Quốc, cải cách kinh tế đồng nghĩa với củng cố sự quản lý của Chính phủ đối với nền kinh tế và gia tăng sức mạnh cho khu vực kinh tế nhà nước, nhất là các doanh nghiệp quốc doanh", ông Shea nói.

Đại sứ Trung Quốc Trương Hướng Thần đáp trả rằng những phát biểu của ông Shea "khiến bầu không khí có mùi thuốc súng" và bản báo cáo mà ông Shea đưa ra không hề có bằng chứng để chứng minh cho cáo buộc rằng nhà nước Trung Quốc "kiểm soát" các doanh nghiệp.

Theo ông Trương, các chính sách công nghiệp của Chính phủ Trung Quốc chỉ mang tính "định hướng" và các doanh nghiệp quốc doanh của nước này là những thực thể thị trường độc lập, tự chịu trách nhiệm về lỗ lãi. Ông Trương cũng nói tình trạng dư thừa công suất trong một số ngành công nghiệp của Trung Quốc không phải do Chính phủ nước này mà là do sự suy giảm nhu cầu của thị trường toàn cầu sau khủng hoảng tài chính.

Vị đại sứ Trung Quốc khẳng định bản báo cáo của Mỹ đã cố tình nói sai về chính sách của Trung Quốc khi không đề cập gì đến "vai trò quyết định" của thị trường trong việc phân bổ các nguồn lực.

"Một chuyện hư cấu được nói đi nói lại nhiều lần cũng có thể khiến mọi người tin", ông Trương nói, và cho biết đã đọc kỹ báo cáo của đại sứ Mỹ, bao gồm 88 chú thích.

"Đối với một số chú thích, tôi không thể tìm được nguồn tham khảo như đã nêu", ông Trương nói. "Nhưng như chúng ta đều biết, quan trọng là các chi tiết. Nếu một bản báo cáo có lỗi ở chú thích, thì những bằng chứng và lập luận mà báo cáo đó đưa ra có thể đáng ngờ".