Mỹ-Trung lạc quan sau ngày đàm phán đầu tiên
Các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc đã hoàn tất ngày đầu tiên của vòng đàm phán thương mại đang diễn ra ở Washington
Các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc đã hoàn tất ngày đầu tiên của vòng đàm phán thương mại đang diễn ra ở Washington. Có một số tín hiệu lạc quan rằng hai bên sẽ đạt một dạng thỏa thuận nào đó để xuống thang cuộc chiến thương mại đã kéo dài gần 1 năm rưỡi qua và sẽ hoãn kế hoạch áp thêm thuế lên hàng hóa của nhau vào tuần tới.
Theo tin từ Reuters, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã có cuộc gặp với Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cùng các quan chức cấp cao khác trong phái đoàn Trung Quốc. Cuộc gặp kéo dài khoảng 7 giờ đồng hồ tại trụ sở Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) cách Nhà Trắng không xa.
"Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận rất, rất tốt đẹp với Trung Quốc", Tổng thống Donald Trump nói với báo giới sau khi ngày đàm phán đầu tiên khép lại. Ông Trump cũng nhắc lại rằng ông sẽ gặp ông Lưu Hạc tại Nhà Trắng vào ngày thứ Sáu, một dấu hiệu cho thấy đàm phán diễn ra trơn tru.
Về phần mình, ông Lưu Hạc mỉm cười tươi tắn và vẫy tay chào các nhà báo khi rời trụ sở USTR bằng một chiếc xe Cadillac màu đen. Ông không trả lời các câu hỏi của báo giới. Hai bên sẽ tiếp tục ngày đàm phán thứ hai vào ngày thứ Sáu.
Ông Myron Brilliant, người phụ trách quan hệ quốc tế của Hội đồng Thương mại Mỹ, nói rằng các nhà đàm phán Mỹ-Trung có thể đi đến nhất trí về một số vấn đề như tỷ giá và bảo vệ bản quyền. Ông cho biết hai bên "đang cố gắng tìm hướng đi đến một thỏa thuận lớn hơn" dựa trên bước tiến trong những vấn đề như quyền tiếp cận thị trường và bảo vệ tài sản trí tuệ.
"Tôi tin thậm chí có khả năng đạt một thỏa thuận tiền tệ trong tuàn này, và một thỏa thuận như vậy có thể dẫn tới việc Chính phủ Mỹ không tăng thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc như kế hoạch vào ngày 15/10", ông Brilliant nói.
Khi được các nhà báo hỏi liệu ông có sẵn sàng chấp nhận một "thỏa thuận nhỏ hơn" với Trung Quốc, ông Trump không trả lời và rảo bước rời đi. Những ngày trước khi diễn ra đàm phán, ông luôn tuyên bố sẽ không chấp nhận một thỏa thuận một phần với Trung Quốc và sẽ chỉ ký kết một thỏa thuận toàn diện.
Vòng đàm phán đang diễn ra bị phủ bóng bởi hai động thái mạnh tay của Mỹ đối với Trung Quốc trong tuần này. Washington đưa vào "danh sách đen" thương mại 28 cơ quan và doanh nghiệp Trung Quốc mà Mỹ cho là vi phạm quyền của người thiểu số theo đạo Hồi. Tiếp đó, Mỹ áp hạn chế visa lên một loạt quan chức Trung Quốc với cùng lý do.
Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 10/10 đăng một số thông tin khả quan, nói rằng các nhà đàm phán nước này đã sẵn sàng hơn trên bàn đàm phán và muốn tránh căng thẳng leo thang.
"Phía Trung Quốc đến cuộc đàm phán với sự chân thành lớn, sẵn sàng hợp tác với Mỹ về cán cân thương mại, quyền tiếp cận thị trường và bảo vệ nhà đầu tư", Tân Hoa Xã dẫn lời ông Lưu Hạc.
Bộ Nông nghiệp Mỹ cùng ngày cho biết các nhà xuất khẩu đậu tương của nước này thông báo bán được thêm 398.000 tấn đậu cho Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc gần đây tạm miễn thuế quan trả đũa đối với đậu tương Mỹ nhằm thể hiện thiện chí trước đàm phán, các công ty nước này đã liên tục nhập khẩu đậu Mỹ với khối lượng lớn.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng cho biết nước này đã bán được lô thịt lợn lớn kỷ lục cho Trung Quốc, gồm 18.810 tấn giao hàng trong năm nay và 123.362 tấn giao hàng năm 2020.
Mặc dù vậy, giới quan sát không kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc giải quyết được những vấn đề gai góc nhất của thương chiến trong vòng đàm phán này, bao gồm sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trợ cấp công nghiệp, và quyền tiếp cận thị trường.