Mỹ-Trung rục rịch nối lại đàm phán thương mại
Đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã ngưng trệ kể từ đầu tháng 5, sau khi vòng đàm phán thứ 11 diễn ra ở Washington không mang lại kết quả gì
Trung Quốc ngày 20/6 nói nước này hy vọng Mỹ sẽ mang quan điểm giải quyết vấn đề tới các cuộc thảo luận thương mại diễn ra trước cuộc gặp vào tuần tới ở Nhật Bản giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã ngưng trệ kể từ đầu tháng 5, sau khi vòng đàm phán thứ 11 diễn ra ở Washington không mang lại kết quả gì. Cáo buộc Bắc Kinh rút lại cam kết, Washington sau đó đã áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc và bị Trung Quốc trả đũa tương tự.
Ngoài ra, ông Trump đã cảnh báo rằng nếu cuộc gặp vào cuối tháng với ông Tập không mang lại kết quả tốt đẹp, ông sẽ ngay lập tức áp thuế lên thêm 300 tỷ USD hàng Trung Quốc.
Hôm thứ Ba tuần này, ông Trump và ông Tập đã có một cuộc trao đổi qua điện thoại. Cùng với đó, Mỹ và Trung Quốc xác nhận cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo sẽ diễn ra bên lề thượng đỉnh G20 tại Osaka. Những diễn biến này làm dấy lên hy vọng về sự xuống thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Những người đứng đầu đoàn đàm phán thương mại của hai nước sẽ liên lạc, theo sự chỉ đạo của lãnh đạo hai nước", hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên Gao Feng của Bộ Thương mại Trung Quốc nói trong một cuộc họp báo.
"Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ tạo điều kiện và bầu không khí cần thiết để giải quyết vấn đề thông qua đối thoại bình đẳng", ông Gao phát biểu.
Hôm thứ Tư, đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer cho biết sẽ có cuộc điện đàm với Phó thủ tướng Lưu Hạc, trưởng đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc, "sau một ngày rưỡi nữa".
Trung Quốc đã đưa ra ba "vấn đề mang tính nguyên tắc" trong cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, nói rằng đây là những vấn đề mà nước này sẽ không bao giờ nhượng bộ.
Ba yêu cầu này bao gồm: dỡ bỏ ngay toàn bộ thuế quan áp trong chiến tranh thương mại; hàng hóa mà Trung Quốc mua thêm từ Mỹ để giảm mất cân đối thương mại phải phù hợp với nhu cầu thực tế; và ngôn ngữ trong văn kiện thỏa thuận phải "cân bằng".
Tuy nhiên, ông Gao bày tỏ lạc quan về khả năng hai bên sẽ đạt nhất trí về các vấn đề như cải cách cơ cấu nền kinh tế, thực thi thỏa thuận, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, và mở cửa thị trường.
"Cả hai bên đều có những lợi ích chung to lớn. Tôi tin rằng, bằng cách quan tâm đến lợi ích của nhau thông qua đối thoại bình đẳng, hai bên chắc chắn sẽ tìm được một giải pháp để giải quyết tốt vấn đề", ông Gao phát biểu.
Dù đàm phán sắp nối lại, cả Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ thay đổi lập trường. Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 20/6 nói rằng cuộc gặp ở Nhật Bản của ông Trump và ông Tập khó giải quyết ngay được những bất đồng giữa hai nước, nhưng có thể mở ra một giai đoạn đàm phán mới.