Nếu mua lại cổ phần ACV, nhà nước phải chi khoảng 8.000 tỷ đồng?
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ACV đang được giao dịch xung quanh mức 81.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy, nếu muốn mua lại cổ phần của nhà đầu tư thì số tiền nhà nước cần bỏ ra khoảng 8.150 tỷ đồng.
Bộ Giao thông Vận tải vừa có đề nghị phê duyệt Đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản và kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý gửi Chính phủ.
Đề xuất ACV trở lại thành doanh nghiệp nhà nước
Trong đề án này, Bộ này đề nghị nghiên cứu xem xét lộ trình mua lại phần vốn do các cổ đông ngoài Nhà nước nắm giữ tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã chứng khoán ACV - UpCOM) để ACV lại là doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo an ninh quốc phòng cho hoạt động hàng không.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, trước khi thực hiện cổ phần hóa ACV, các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý nằm trong giá trị tài sản của ACV.
Lúc đó, thông qua kế hoạch đầu tư phát triển của ACV, Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận cho ACV đầu tư các dự án phát triển cảng hàng không, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng không. ACV chịu trách nhiệm đầu tư, quản lý, khai thác theo quy định của Luật doanh nghiệp và pháp luật có liên quan bằng nguồn vốn của ACV.
Tuy nhiên, từ ngày 1/4/2016, ACV cổ phần hóa. Từ đó đến nay, ACV đang được tạm giao quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý để đảm bảo hoạt động hàng không được liên tục, an toàn.
Điều đáng nói, sau khi cổ phần hóa ACV, việc thực hiện công tác bảo trì, đầu tư nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng hàng không gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện nay, các đường băng, đường lăn tại các cảng hàng không có công suất khai thác lớn như Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã vượt tần suất khai thác so với tính toán thiết kế ban đầu, xuất hiện các hư hỏng có nguy cơ uy hiếp an toàn bay và cần phải được đầu tư nâng cấp.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, các hạng mục trên thuộc tài sản Nhà nước và phải đầu tư bằng ngân sách.
Trong khi đó nguồn vốn đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2016 - 2020 và nguồn ngân sách nhà nước cho kết cấu hạ tầng hàng không vẫn chưa được bố trí. Còn ACV đã cổ phần hóa nên không thể bỏ vốn của doanh nghiệp này để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không.
Qua nghiên cứu, Bộ Giao thông Vận tải thấy phương án giao tài sản kết cấu hạ tầng hàng không cho Cục Hàng không Việt Nam quản lý sẽ phù hợp với Luật quản lý, sử dụng tài sản công; tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng với cơ cấu tổ chức bộ máy hiện nay của cơ quan này chưa thể đáp ứng ngay các điều kiện để trực tiếp tổ chức quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại các cảng hàng không, sân bay trong cả nước.
Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu, xây dựng đề án theo hướng giao ACV quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đến hết năm 2025.
Sau thời hạn trên, giao Bộ Giao thông Vận tải tổng kết đánh giá, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc chuyển tài sản kết cấu hạ tầng hàng không cho cơ quan quản lý nhà nước về hàng không quản lý, sử dụng.
"Việc giao cho ACV quản lý, khai thác sẽ tiếp tục đảm bảo duy trì sự vận hành tài sản liên tục; không gây xáo trộn ảnh hưởng đến an ninh, an toàn trong hoạt động khai thác cảng hàng không, sân bay;
Đồng thời, đảm bảo kết cấu hạ tầng hàng không vẫn được ACV bảo trì, đầu tư theo quy hoạch, đảm bảo an ninh, an toàn bay trong bối cảnh tình hình ngân sách nhà nước đang khó khăn, chưa bố trí kịp thời cho lĩnh vực hàng không", Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết.
Nhà đầu tư ngoại nào đang nắm giữ cổ phần ACV?
Báo cáo thường niên 2018 của ACV cho biết tại thời điểm 1/4/2019, ngoài phần sở hữu của nhà nước 95,4% vốn, các cổ đông khác của ACV gồm cổ đông là tổ chức, và cá nhân đang nắm giữ hơn 100 triệu cổ phiếu lưu hành tự do. Trong đó, các cổ đông nước ngoài nắm 3,59%, các cổ đông khác trong nước nắm 0,87%.
Cụ thể: Công đoàn Tổng công ty nắm 3 triệu cổ phiếu, tổ chức nước ngoài giữ 77,4 triệu cổ phiếu, tổ chức trong nước 1,78 triệu cổ phiếu, cá nhân trong nước 17,1 triệu cổ phiếu, cá nhân nước ngoài 717.000 cổ phiếu.
Cơ cấu cổ đông của ACV.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ACV đang được giao dịch xung quanh mức 81.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy, nếu muốn mua lại cổ phần của nhà đầu tư thì số tiền nhà nước cần bỏ ra khoảng 8.150 tỷ đồng.
Theo báo cáo của quỹ Dragon Capital VEIL cho biết, tính đến cuối năm 2018, Dragon Capital VEIL có khoản đầu tư vào ACV với giá vốn 7,23 triệu USD, giá thị trường 43,8 triệu USD, chiếm 3,05 tổng tài sản ròng và đứng thứ 9 trong danh mục đầu tư của VEIL.
Trong khi đó, giá vốn đầu tư cuối năm 2017 là 9,5 triệu USD giá thị trường 76,5 triệu USD. Điều này chứng tỏ VEIL đã bán cổ phần ACV trong năm 2018.
Tính đến cuối năm 2018, Dragon Capital VEIL có khoản đầu tư vào ACV với giá vốn 7,23 triệu USD, giá thị trường 43,8 triệu USD.
Còn VinaCapital Vietnam Opportunity Fund - VOF ( quỹ lớn nhất thuộc VinaCapital) cũng tham gia IPO ACV và thường xuyên giữ cổ phiếu này ở vị trí thứ 3 trong danh mục. Tính đến cuối tháng 7, ACV chiếm khoảng 8,5% NAV của quỹ đầu tư có tổng tài sản 930 triệu USD này (tương ứng hơn 79 triệu USD).
ACV từng không thuộc đối tượng cổ phần hoá
Trước đó, Văn phòng Trung ương Đảng cho biết, ngày 19/7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị họp xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Vũ Văn Ninh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị nhận thấy:
Với cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ (phụ trách lĩnh vực đổi mới doanh nghiệp từ tháng 8/2011 đến tháng 4/2016), đồng chí Vũ Văn Ninh đã ký các văn bản đồng ý cho giảm và thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần cảng Quy Nhơn; bán phần vốn nhà nước hiện có tại Công ty Cổ phần cảng Quảng Ninh; đồng ý chủ trương để Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa sau khi nhận chuyển giao Công ty Cổ phần cảng Nha Trang tiếp tục được thoái vốn nhà nước theo hướng nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối; đồng ý chủ trương cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (doanh nghiệp này không thuộc đối tượng cổ phần hóa); đồng ý chủ trương cổ phần hóa 10 đoạn quản lý đường thủy nội địa, đây là các đơn vị sự nghiệp kinh tế chưa được quy định cổ phần hóa.
Nội dung những văn bản đồng chí Vũ Văn Ninh đã ký nêu trên trái với kết luận của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước...