Ngân hàng cần thêm một lát cắt thân hữu?
Tín dụng chéo từ thân hữu ít được đặt ra nổi bật như sở hữu chéo giữa các ngân hàng thương mại
Thị trường đang đón loạt giao dịch giảm bớt sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng. Và dù ít được đề cập đến, tín dụng chéo cũng là một dòng chảy đáng chú ý.
Một tháng trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam nóng lên với một phần hiệu ứng từ kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn.
Ở lĩnh vực ngân hàng, hoạt động thoái vốn, giảm sở hữu lẫn nhau cũng bắt đầu sôi động.
Ngay trong tháng 11 vừa qua, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) lần lượt thoái vốn thành công, bán hết 13,2 triệu cổ phần của Ngân hàng Sài gòn Công thương (Saigonbank); bán hết 6,6 triệu cổ phần của Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng.
Theo kế hoạch, dự kiến Vietcombank sẽ tiếp tục lần lượt thoái vốn tại Ngân hàng Phương Đông (OCB), Ngân hàng Quân đội (MBB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho đến đầu năm 2018.
Ngày 29/11 vừa qua, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đã có bước đi đầu tiên trong yêu cầu phải thoái vốn tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Cụ thể, với giao dịch bán gần 5 triệu cổ phiếu STB của Sacombank, tỷ lệ sở hữu của Eximbank tại đây đã giảm từ 9,16% xuống 8,887%. Để đảm bảo yêu cầu quy định trong Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, Eximbank sẽ phải tiếp tục bán thêm lượng lớn cổ phiếu STB thời gian tới.
Eximbank thoái vốn tại Sacombank cũng là một trong hai trường hợp sở hữu chéo còn lại giữa các tổ chức tín dụng, đang tiếp tục được xử lý.
Và tính từ năm 2011, khi bắt đầu quá trình tái cơ cấu hệ thống giai đoạn 1 (2011-2015), đến nay cơ bản tình trạng sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng, giữa các ngân hàng thương mại đã và đang được cắt gọn (trong đó có những trường hợp xử lý qua sáp nhập, hợp nhất); các trường hợp sở hữu còn lại được xem như đầu tư đơn thuần và dưới giới hạn quy định.
Trong khi đó, một lát cắt thân hữu khác, bên cạnh sở hữu chéo, là tín dụng chéo vẫn chưa được đặt ra một cách cụ thể như một vấn đề đáng chú ý hay không. Ngay cả khái niệm "tín dụng chéo" cũng ít được đề cập đến trong các dòng chảy thông tin thời gian qua.
Đó là, tại nhiều ngân hàng thương mại cổ phần có bóng dáng của các ông chủ, bà chủ, trực tiếp và gián tiếp (qua những người, tổ chức có liên quan) có tỷ lệ sở hữu cổ phần lớn. Những ông chủ, bà chủ này lại trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu, làm chủ tại các doanh nghiệp khác (chủ yếu ở lĩnh vực bất động sản).
Tín dụng chéo được nhìn nhận ở tình huống: những doanh nghiệp đó vay chéo giữa các ngân hàng, như "trao đi - đổi lại" các dự án vay vốn giữa các ông chủ, bà chủ để tránh các quy định về hạn chế ngân hàng cho vay cổ đông nội bộ, người có liên quan.
Tình huống tín dụng chéo ở đây sẽ trở thành vấn đề đáng chú ý, nếu có quan hệ thân hữu, "trao đi - đổi lại" giữa các ông chủ, bà chủ, gắn với rủi ro nới lỏng điều kiện thẩm định và chất lượng tín dụng. Và nếu có tiềm ẩn rủi ro trong tình huống này, lát cắt tương tự như với sở hữu chéo đối với tín dụng chéo cùng cần được đặt ra.
Trong một chuyển động mới, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua ngày 20/11 vừa qua, cũng đã bước đầu tác động đến tình huống trên: nhiều ông chủ, bà chủ tới đây sẽ buộc phải lựa chọn giữa vị trí lãnh đạo, điều hành ngân hàng hoặc doanh nghiệp, thay vì được kiêm nhiệm.
Theo đó, các đầu tàu cá nhân chịu trách nhiệm vay và cho vay trong tín dụng chéo tới đây, dù có thể có phần danh nghĩa, cũng sẽ dần có thay đổi.