07:00 13/08/2019

“Ngân hàng” chứng khoán: Cuộc đua của gần 42.000 tỷ

Nguyên Minh

18 công ty chứng khoán lớn trên thị trường đang có tổng dư nợ cho vay ký quỹ (margin) lên tới 41.984 tỷ đồng

Thống kê của VnEconomy trên 18 công ty chứng khoán lớn trên thị trường, tính đến thời điểm 31/6/2019, tổng dư nợ cho vay margin của các công ty này ở mức 41.984 tỷ đồng. So với thời điểm 5 năm trước, dư nợ margin đã gia tăng nhanh chóng.

So với hồi đầu năm, tổng dư nợ margin của 18 công ty này tăng 18,4% và tăng 143% so với cuối năm 2015.

Trong 5 năm qua, giai đoạn 2016 - 2017 là thời điểm margin của các công ty chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ nhất với mức 63%, tương đồng với giai đoạn tăng trưởng mạnh của vốn hóa thị trường chứng khoán.

Đáng chú ý, thống kê cho thấy hai mặt của tăng trưởng margin ở hai nhóm công ty chứng khoán.

Với top những công ty chứng khoán đầu ngành, mức độ tăng trưởng dư nợ margin từ năm 2015 đến nay không quá lớn, được kiểm soát dưới ngưỡng 80% mặc dù về giá trị tuyệt đối, dư nợ margin của những ông lớn này vẫn lớn nhất.

Hiện SSI là đơn vị cho vay ký quỹ cao nhất với 6.256 tỷ đồng tính đến cuối quý 2/2019, tăng 6% so với hồi đầu năm và tăng trưởng 76% so với năm 2015.

Trong khi đó, ở nhóm dưới sự tăng trưởng dư nợ cho vay margin gia tăng chóng mặt.

Trong top 5 công ty chứng khoán có lãi từ cho vay và phải thu trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh nhất thì có đến 4 công ty chứng khoán vốn ngoại góp mặt. Đây cũng chính là những công ty chứng khoán có dư nợ cho vay ký quỹ tăng siêu mạnh trong vòng 5 năm qua.

“Ngân hàng” chứng khoán: Cuộc đua của gần 42.000 tỷ - Ảnh 1.

Đơn vị: Tỷ đồng

Đứng đầu bảng là Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset khi năm 2015 dư nợ margin mới chỉ đạt 77,4 tỷ đồng đã tăng tới 4.861 tỷ đồng vào cuối tháng 6 vừa qua, tương ứng cao gấp 63 lần trong vòng 5 năm.

Tiếp đến là Công ty TNHH MTV Chứng khoán Yuanta Việt Nam với dư nợ margin 1.684 tỷ đồng, tương đương gấp tới 22 lần dư nợ cho vay margin của công ty chứng khoán này trong năm 2015.

Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng có mức tăng cao gấp 4 lần, từ 436 tỷ đồng năm 2015 lên 1.951 tỷ đồng cuối quý 2/2019. Dù tăng thấp hơn song mức tăng của Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cũng đạt trên 94%.

Xét về thị phần, nhóm những công ty chứng khoán top dưới khó có thể cạnh tranh được với những "ông lớn" lâu năm đầu ngành chứng, do đó trong thời gian qua, những công ty chứng khoán vốn ngoại này liên tục rót vốn và gia tăng cho vay ký quỹ, nhằm thu hút nhà đầu tư tham gia đồng thời đẩy mạnh lợi nhuận từ lãi cho vay.